Phước Đại anh hùng trên đường đổi mới

(NTO) Giữa tháng 3, dù nắng hạn đang gây tác động không tốt cho sản xuất, nhưng đến xã Phước Đại (Bác Ái), địa phương đầu tiên của huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chúng tôi vẫn nhận ra vùng đất này tiếp tục “thay da, đổi thịt” từng ngày. Phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong đấu tranh đấu tranh giải phóng dân tộc, cán bộ và nhân dân xã Phước Đại đang chung tay khắc phục khó khăn, đóng góp công sức cho tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Nhìn lại lịch sử qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, không ai quên được cuộc Đồng khởi ở Phước Đại cách đây 55 năm. Trên mảnh đất này, vào đêm 28 rạng sáng 29-8-1960, lực lượng vũ trang tỉnh gồm 23 cán bộ, chiến sĩ kết hợp với dân quân, du kích Bác Ái đã nổi dậy tấn công tiêu diệt hai đồn Tà Lú, Ma Ty, mở màn cho cuộc nổi dậy của đồng bào khắp nơi trong huyện. Từ tháng 9-1960, căn cứ Bác Ái từ miền Đông đến miền Tây hoàn toàn giải phóng, trở thành huyện đầu tiên được giải phóng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 
Hệ thống nước sạch xã Phước Đại được Nhà nước đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Trở lại xã Phước Đại anh hùng hôm nay- nơi nổ phát súng đầu tiên của phong trào Đồng khởi Bác Ái, chúng tôi cảm thấy niềm vui dâng trào khi ghi nhận được những đổi thay của mảnh đất một thời gian lao mà anh dũng. Là trung tâm hành chính của huyện Bác Ái, xã Phước Đại có tổng diện tích tự nhiên trên 11.341 ha, với dân số hơn 1.023 hộ (khoảng 4.250 nhân khẩu) phân bố trên 5 thôn, chiếm 14,13% dân số toàn huyện. Do vị thế trung tâm, Phước Đại có thế mạnh về phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, kinh tế và có những tiềm năng về thị trường tiêu thụ nông sản cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động trong quá trình đô thị hóa. Theo quy hoạch, trong tương lai, Phước Đại trở thành thị trấn của huyện lỵ Bác Ái (đô thị loại V) nên đang được quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng, đặc biệt là hệ thống mạng lưới giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch, trường học, nâng cấp chợ xã thành chợ huyện…

Kể từ năm 2001 khi tái lập huyện Bác Ái đến nay, với vị thế trung tâm huyện nên Phước Đại đã có sự chuyển mình nhanh chóng. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đời sống người dân Raglai đang dần cải thiện, toàn xã đã có 95% hộ dân có nhà xây kiên cố. Trên địa bàn xã hiện đã có hợp tác xã và tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả, chủ yếu sản xuất theo mô hình kinh tế hộ gia đình và cá nhân. Sự đổi mới rõ nét nhất là trong lĩnh vực giáo dục, năm 2006, xã đã được công nhận phổ cập giáo dục THCS độ tuổi, hiện tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt 70,08%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 44,8%. Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ xã đã chuyển biến đáng kể, trong tổng số 42 cán bộ đã có 6 người tốt nghiệp đại học và 15 người tốt nghiệp trung cấp chuyên môn các ngành, 70% cán bộ được đào tạo sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị.

Được hưởng lợi từ nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, Phước Đại có nhiều cơ hội thuận lợi để thay đổi nhanh bộ mặt của vùng nông thôn miền núi. Ngoài Quốc lộ 27B đi qua địa bàn xã có tổng chiều dài 11 km, địa phương còn có 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa và bê-tông hóa. Về hạ tầng thuỷ lợi, Phước Đại hiện có hồ chứa nước Sông Sắt với năng lực thiết kế tưới cho 3.800 ha đất sản xuất nông nghiệp toàn huyện, cung cấp nước sinh hoạt cho toàn xã và một số xã lân cận. Theo đánh giá của UBND xã Phước Đại, hiện có khoảng 70% diện tích đất nông nghiệp được tưới từ công trình này, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho người dân địa phương. Về hệ thống điện, toàn xã hiện có 98% hộ dân dùng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện quốc gia. Đối với lĩnh vực giáo dục, Phước Đại hiện có 5 trường học các cấp từ Mầm non đến Trung học cơ sở, trong đó có 3 trường đã đạt tiêu chuẩn quốc gia mức độ 1. Trong hoạt động văn hoá, Phước Đại có 5 nhà sinh hoạt cộng đồng ở các thôn: Tà Lú 1, Tà Lú 2, Tà Lú 3, Ma Hoa và Châu Đắc, với diện tích xây dựng mỗi nhà là 108m2, tạo điều kiện cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Raglai, nâng cao dân trí ở địa phương. Về đời sống, dù vẫn chiếm tỷ lệ 23,2 % hộ nghèo nhưng trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm Phước Đại đã giảm tỷ lệ 6,2% hộ nghèo.

Từ tiền đề đã có, Phước Đại đang hướng tới mục tiêu năm 2020 trở thành xã nông thôn mới, có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Cụ thể là xây dựng trung tâm xã trở thành thị trấn huyện lỵ có 100% đường giao thông được trải nhựa hoặc bê-tông, có 95% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nhìn những trụ sở xây dựng bề thế, khang trang, đại lộ rộng thênh thang và những con đường ngang dọc tráng nhựa mới mở ở Phước Đại, chúng tôi tin rằng vùng đất từng nổ ra cuộc Đồng khởi 55 năm về trước này sẽ đạt được mục tiêu phát triển mạnh về kinh tế-xã hội đề ra.