Phát triển hệ thống thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà

(NTO) Tỉnh ta hiện có 3 siêu thị và trên 100 chợ các loại. Trong đó, có 1 chợ hạng I; 7 chợ hạng II; 91 chợ hạng III và 7 chợ tạm. Nếu phân theo từng địa bàn thì huyện Ninh Phước là địa phương có nhiều nhất với 30 chợ, tiếp đến là huyện Ninh Hải 19 chợ, Tp. Phan Rang–Tháp Chàm 18 chợ, huyện Thuận Nam 12 chợ, huyện Ninh Sơn 10 chợ, huyện Thuận Bắc 7 chợ và ít nhất là huyện Bác Ái có 3 chợ. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch, thiếu vốn đầu tư, nên hệ thống chợ hiện tại của tỉnh ta đã bộc lộ nhiều bất cập như chợ quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp. Tại một số điểm chợ, người dân còn lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán gây cản trở giao thông, làm mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đường phố.

 
Chợ Phan Rang - trung tâm giao lưu hàng hóa của tỉnh.

Trên cơ sở hiện trạng hệ thống thương mại hiện có, năm 2014, Sở Công Thương đã lập Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM)) tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020. Quy hoạch hiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt, với quan điểm và mục tiêu đặt ra nhằm huy động tốt nhất các nguồn lực để nâng cấp, xây mới, đưa hệ thống các chợ, siêu thị, TTTM phát triển đan xen, hỗ trợ và bổ sung nhau theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu kinh doanh mua bán, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2016 – 2020, đối với hệ thống Siêu thị và TTTM, ngoài 3 hệ thống hiện có là: Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, Siêu thị sách Thành Nghĩa và TTTM Maximark Phan Rang, căn cứ định hướng phát triển đô thị, khu dân cư và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, dự kiến tỉnh ta sẽ xây mới thêm 2 TTTM, đó là TTTM Tháp Chàm có diện tích kinh doanh khoảng 11.000 m2 và TTTM Khánh Hải diện tích khoảng 20.000 m2. Tại các huyện: Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc, dự kiến mỗi địa phương sẽ xây dựng mới 1 siêu thị hạng III. Về hệ thống chợ sẽ nâng cấp cải tạo 20 chợ, giải tỏa 3 chợ, di dời, xây mới 27 chợ, với tổng nhu cầu vốn dự kiến khoảng 660 tỷ đồng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, vấn đề vốn là rất quan trọng. Do vậy, sau khi quy hoạch được phê duyệt, Sở Công Thương sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp mang tính đột phá quan trọng để nâng cao tính khả thi. Theo đó, ngoài việc tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình chợ, siêu thị, TTTM theo phân kỳ từng năm, tỉnh còn tận dụng chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư của Chính phủ để lồng ghép nguồn vốn các chương trình như: Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 30a của Chính phủ,... để đầu tư cho lĩnh vực này. Đối với các khu TTTM và siêu thị do cần có vốn đầu tư ban đầu lớn, nên ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh đưa ra một số giải pháp và cơ chế chính sách cụ thể để thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, đồng thời khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước vào tham gia đầu tư. Cùng với giải pháp thu hút nguồn vốn, tỉnh đang ngày càng minh bạch hóa và đơn giản các thủ tục hành chính trong quá trình kêu gọi đầu tư. Có chính sách hỗ trợ thuế, đất đai như: Công khai khung giá thuê đất từng khu vực để các nhà đầu tư có điều kiện lựa chọn; có giải pháp tích cực, đồng bộ trong việc giải phóng mặt bằng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có dự án xây dựng siêu thị, TTTM được tiếp cận các nguồn tài chính bình đẳng, nhanh chóng.

Đồng chí Lê Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trên, tỉnh ta xác định trước hết phải ưu tiên dành vốn hỗ trợ các xã quy hoạch xây dựng nông thôn mới có nhu cầu mở chợ nhưng chưa có chợ. Đặc biệt, trong quy hoạch, phát triển hệ thống chợ, siêu thị và các TTTM, sẽ lựa chọn các địa điểm thuận lợi về giao thông, gần khu dân cư, diện tích đất đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh của từng loại hình. Riêng một số chợ đang đang xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, trước mắt ở vùng nông thôn, tỉnh sẽ ưu tiên cải tạo để đảm bảo đủ chợ dân sinh ở các xã. Tại khu vực thành thị sẽ lựa chọn một số chợ có quy mô lớn để nâng cấp, cải tạo thành chợ trung tâm với quy mô hạng I và chuyển một số chợ dân sinh có quy mô diện tích nhỏ thành các siêu thị loại III hoặc cửa hàng tiện ích. Trước mắt, phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn tỉnh dự kiến nâng cấp, cải tạo 9 chợ; di dời, xây mới thêm 15 chợ, để hệ thống thương mại tỉnh nhà ngày một hoàn thiện.