Đàn ông phải có “bản lĩnh”
Anh bạn tôi vốn thương vợ, thương con. Ngoài công việc cơ quan, thời gian còn lại tất cả dành cho gia đình. Vợ anh cũng thừa nhận với bạn bè: Khó kiếm ra người đàn ông như anh ấy. Ngoài gia đình còn anh em cơ quan, bạn bè, công việc mà thời buổi bây giờ không “quan hệ” là không được việc. Ông bà ta xưa dạy “miếng trầu là đầu câu chuyện”, cho nên không có việc “nâng lên, hạ xuống” thì sao có "đầu câu chuyện" được. Xã hội là thế, đã làm việc thì chẳng ai đứng ngoài vòng xoáy được. Bao nhiêu lần anh phải tham gia “nâng lên, hạ xuống” không chỉ vì quan hệ mà còn là để “hoà đồng” với mọi người. Cứ thế thời gian anh dành cho vợ, con giảm dần. Vợ anh cũng biết và thông cảm nhưng hiềm một nỗi tai nạn giao thông ngày càng nhiều, trong đó rượu bia là một nguyên nhân. Thế là chị bàn với anh: Khi nào anh tiếp khách, vui bạn bè nhớ chậm lắm là 20 giờ về, sau thời điểm đó cứ 15 phút, em điện thoại một lần, tối đa ba lần thôi đấy. Khổ nỗi anh chồng tính ham vui, đứng lên về rồi nhưng bạn bè lại nài nỉ “thôi thêm lon nữa rồi cùng về”, vì cứ thêm lên, ngồi xuống, có bữa hơn mười giờ đêm anh mới về đến nhà. Vợ anh giận lắm, tìm mọi cách hạn chế anh tham gia “nâng lên, hạ xuống”. Bạn bè thấy vợ anh quan tâm, nên "khen": "-Ông là hạnh phúc nhất, trong đám tụi tôi có bà vợ nào điện thoại nhắc nhở đâu, còn ông từ nãy giờ, gần mười cuộc gọi. Nghe bạn nói thấy sướng cả tai, anh về nói lại tưởng vợ mừng ai dè cô ấy phán một câu lạnh gáy: Tôi lo là lo cho con tôi lỡ sau này nó không có… Lời cảnh báo nghe mà đau lòng. Nhờ vậy, anh cũng giảm dần những sự kiện “tổng kết”, “sơ kết” cơ quan hay “sinh nhật”, “thông tàu, thông xe”, “ngày mồng chín tháng ba" (sau ngày 8-3 là ngày của đàn ông)… Thế rồi, có lần chơi tennis, anh em bảo Tết Ất Mùi không có dịp gặp mặt, bữa nay “tân niên sân”. Cả hơn chục người chỉ có hai thùng nên anh yên tâm tham gia nhưng rồi “beer Thạch Sanh” uống hoài không hết. Đã nhiều lần anh cáo về, ông bạn Chủ nhiệm Câu lạc bộ động viên “Anh báo bà xã thông cảm, tết năm có một lần để anh em vui vẻ” rồi vợ cứ điện thoại hoài, thấy không ổn Chủ nhiệm đế thêm “Đàn ông phải có bản lĩnh không vợ xem thường”. Bản lĩnh quá nên hơn 12 giờ đêm mới về tới nhà, thấy vợ đợi sẵn mở cổng nhưng anh không dắt nổi cái xe máy để ngã rầm. Sáng hôm sau tỉnh dậy, vợ hỏi: Đêm qua anh đi ngoài mấy lần biết không? Anh té ngã lúc vệ sinh biết không? Anh thành thật: Không biết. Vợ anh nhẹ nhàng: Anh đâu có biết mỗi lần như vậy là em mất ngủ vì anh, đi theo anh chỉ lo lỡ có chuyện gì xảy ra để còn kịp…
Khi đàn ông “đảm đang”
Nghe mà nao lòng! “Gái có công thì chồng chẳng phụ”, thế là sau cái vụ “bản lĩnh” đàn ông, anh giảm dần dần tham gia “nâng lên, hạ xuống”, “quan hệ” vì thế cũng lắng theo. Ngoài công việc ở cơ quan, về nhà anh chia sẻ với chị việc gia đình từ đi chợ đến quét nhà, nấu ăn. Có lần anh đùa với vợ: Em được công đoàn bình chọn phụ nữ “Hai giỏi”, anh nỗ lực như vậy mà không được “hai giỏi”. Chị vợ cười vui: Thì em bầu anh hai giỏi là được rồi. Anh "mừng" vì được vợ khen. Nhưng cái sự giỏi này cũng không đơn giản. Một lần vợ đi công tác xa một tuần. Cô ấy vốn chu đáo, cẩn thận nên trước khi đi giao cho anh một “tờ sớ” gồm thứ tự công việc nhà trong ngày, rồi thẻ tín dụng, sổ thu chi hàng ngày trong gia đình. Cô ấy nói: Anh đọc qua có gì khó, em bày cho. Cứ ngỡ chuyện nhỏ, anh chẳng buồn đọc. Thế rồi sáng hôm sau dậy từ 5 giờ sáng, thể dục qua quýt, liếc qua tờ sớ vợ đưa, anh lo tưới cây, quét sân, quét nhà, dù hết sức khẩn trương cũng mất một tiếng. Gọi con dậy, giúp cháu vệ sinh sáng, thay quần áo, kiểm tra cặp sách, loáng cái 6 giờ 30, chỉ kịp nhét hai hộp sữa Vinamilk vào cặp sách, nhắc con chịu khó uống sữa (thay ăn sáng vì không kịp), anh vội vã đưa con đến trường. Rồi đón con, nấu ăn, đưa con đi học thêm buổi tối, bày con học bài, lau nhà cửa… (may mà nhờ người đi chợ giùm) nhưng cũng toát mồ hôi hột. Toàn chuyện nhỏ nhưng chẳng còn đâu thời gian để anh thể thao, gặp gỡ bạn bè dù chút ít. Những ngày đầu, chân tay anh cứ mỏi rời, nhờ làm theo “Sớ” vợ đưa nên cũng quen dần nhưng kết quả so với vợ thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Cuối tuần, bà xã đi công tác về, ngoài quà cho con anh cũng có phần. Đó là bộ quần áo công sở khá đẹp, vợ anh nói: Trả công cho chồng “đảm đang” đấy. Anh cảm ơn nhưng thầm mong vợ đừng thưởng để anh đảm đang nữa!
Những ngày trong dịp 8-3 vừa qua, các phương tiện truyền thông phát đi thông điệp “He for She” (Nam giới vì Phụ nữ), chiến dịch của Liên Hợp Quốc được phát động trên toàn cầu. Có lẽ không bàn cãi gì thêm việc nam giới phải làm gì cho chiến dịch “Nam giới vì Phụ nữ”, chỉ mong các chị luôn “hai giỏi” còn nam giới chúng tôi chỉ xin “đảm đang” một phần để chia sẻ cùng các chị có điều kiện phát triển và chăm lo hạnh phúc gia đình.
Minh Thư