Trẻ thuận tay trái, chỉnh hay mặc kệ?

Khoảng 10% dân số cảm thấy thoải mái khi làm mọi việc bằng tay trái. Vậy mẹ phải làm gì nếu trẻ thuận tay trái, mặc kệ hay phải chỉnh như thế nào cho đúng?

 Nếu trong gia đình có người không thuận tay phải, chuyện trẻ thuận tay trái là lẽ đương nhiên của gien di truyền. Không thể phủ nhận, để trẻ phát triển tự nhiên luôn là chân lý. Tuy nhiên, mẹ thử nghĩ xem, khi mọi thứ đều được thiết kế dành cho số đông, liệu có quá thiệt thòi với bé con nhà mình khi lớn lên? Vì vậy, không nhất thiết phải quá nghiêm trọng, mẹ có thể giúp con làm quen dần với tay phải nhưng vẫn xiện tay trái theo những mẹo sau!

Khoảng 10% dân số cảm thấy thoải mái khi làm mọi việc bằng tay trái của họ. Di truyền học có thể là một phần, nhưng nguyên nhân vì sao có hiện tượng này quả phức tạp và cần nhiều nghiên cứu hơn nữa. Khi trẻ sơ sinh đạt mốc 6-9 tháng tuổi, bé đã có thể tự kiểm soát bàn tay của mình để cầm nắm và thực hiện những chuyển động theo ý muốn.

Lúc này, bé đã có thể dùng cả hai tay nhặt đồ chơi, đồng thời di chuyển theo ý mình. Vào thời điểm năm đầu đời, trẻ sử dụng cả hai tay thành thạo, vì vậy không thể kết luận vội vàng rằng trẻ thuận tay trái ngay lập tức. Phải đến khoảng 4 tuổi, trẻ mới bắt đầu bộc lộ thiên hướng thuận tay nào khi thực hiện những động tác như cầm bút, cầm kéo.

Nếu bé con được mẹ hướng dẫn phát triển kỹ năng vận động ngay từ thưở ban đầu, trẻ sẽ khéo léo và dùng tay phải thành thạo hơn để thực hiện hầu hết các kỹ năng. Trong hai tay, luôn phải có một tay thuận hơn, bởi lẽ khi trẻ có thể làm mọi việc bằng hai tay, rất hiếm sự khéo léo và suôn sẻ.

“Trẻ thuận tay trái thường là dấu hiệu của thiên tài”. Mẹ có tin vào điều này? Thực tế, có rất nhiều người tài giỏi thuận tay trái, 3 trong 4 số vị tổng thống Mỹ cuối cùng hay Leonardo da Vinci đều thuận bên tay này. Tuy nhiên mẹ ơi, thay vì mặc kệ con phát triển tự nhiên với hy vọng đó là dấu hiệu của thiên tài, mẹ có nghĩ đến những vất vả mà con phải đối mặt trong tương lai khi tất cả mọi thứ đều ưu tiên cho người thuận tay phải?

Người lớn có thể đã thích nghi, nhưng với bé con nhà bạn, khá là bực bội đấy. Thử tưởng tượng khi bé bước vào lớp một, cầm bút viết bằng tay trái và phải dịch chuyển tay khó khăn thế nào. Sự nhầm lẫn, khác biệt có thể khiến trẻ trở nên chán nản, khó chịu.

Nếu phát hiện thấy trẻ thuận tay trái và đã quá muộn để điều chỉnh kỹ năng vận động này ở con, mẹ chỉ có cách giúp con tạo môi trường dễ dàng, ít thách thức hơn. Nói chuyện với cô giáo để hỗ trợ bé mỗi khi đến lớp. Khi lên bảng viết, nhờ cô ưu tiên đứng vị trí không đụng chạm đến các bạn khác. Cho bé ngồi ở phía bên trái của bàn thay vì bên phải.

Với trẻ thuận tay trái, thường khi mới tập viết hay mắc phải lỗi viết ngược. Vì vậy, mẹ không phải quá lo lắng vì vấn đề này, luyện tập nhiều có thể giúp bé thành thạo hơn. Tuy nhiên, vẫn nên theo dõi để hỗ trợ trẻ kịp lúc mẹ nhé. Có thể dạy trẻ tập viết bằng cách chấm một dấu chấm nhỏ để ký hiệu nơi để bắt đầu viết và hạn chế tình trạng viết lộn xộn. “Sống chung với lũ”, đành chấp nhận vậy thôi nếu mẹ đã bỏ qua thời kỳ giúp con phát triển kỹ năng vận động theo số đông, thế giới của những người thuận tay phải.

Thêm một thông tin nữa dành cho mẹ: Trẻ thuận tay trái rất khác biệt. Não trái điều khiển tay phải chịu trách nhiệm về kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ, viết, tính logic, toán học và cả khoa học. Trong khi đó, não phải điều khiển tay trái lại phụ trách mảng âm nhạc, nghệ thuật, nhận thức và cảm xúc. Một bên là trừu tượng, một bên lại quá thực tế. Tổ chức hệ não của người thuận tay phải khiến họ khá cứng nhắc, nhưng người thuận tay trái có xu hướng linh hoạt hơn.

nguồn: nuoicon.vn