Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Chế độ chính sách cho cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm theo nhiệm kỳ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm trong 3 trường hợp: Nghỉ hưu trước tuổi hoặc tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, hoặc nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

Cụ thể, đối với trường hợp cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, Nghị định nêu rõ: Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, nếu có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi gửi cơ quan quản lý cán bộ thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài ra, còn được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội; được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho tổng số hai mươi năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội, từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương...

Nghị định cũng dành chính sách ưu đãi cho cán bộ cấp xã. Theo đó, cán bộ cấp xã công tác tại nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên; cán bộ cấp xã có thời gian tham gia quân đội, công an và được Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương các loại nếu còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 2,5 năm (30 tháng) trở xuống mới đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian còn thiếu để thực hiện chế độ hưu trí.

Chính sách cho cán bộ chờ nghỉ hưu

Nghị định cũng quy định rõ, cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, nếu không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp.

Trường hợp vị trí công tác mới không quy định mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ (không phải là chức danh lãnh đạo) hoặc có mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ thấp hơn mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ đã được hưởng thì thực hiện bảo lưu mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ đã được hưởng trong 6 tháng; từ tháng thứ 7 trở đi hưởng mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ (nếu có) của vị trí công tác mới.

Còn cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm còn dưới 2 năm (24 tháng) công tác sẽ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, nếu không bố trí được vị trí công tác phù hợp và không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

Trong thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu, cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nơi công tác và được được hưởng nguyên mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác đảng (nếu có)...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2015, thay thế Nghị định số 67/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ. Chế độ, chính sách quy định tại Nghị định mới sẽ thực hiện kể từ ngày 1/1/2015.

Thí điểm giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

Đối tượng thực hiện thí điểm giao dịch trên gồm doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định của pháp luật (gọi chung là người sử dụng lao động) lựa chọn phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; Tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (Tổ chức I-VAN); Cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Theo lộ trình, các doanh nghiệp sẽ thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH từ ngày 1/4/2015. Còn các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức khác thực hiện kể từ ngày 1/10/2015.

Quyết định nêu rõ, người sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội phải có chứng thư số theo quy định; có khả năng truy cập, sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử liên lạc ổn định và đăng ký với BHXH Việt Nam.

Người sử dụng lao động được lựa chọn giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc thông qua Cổng giao dịch điện tử của Tổ chức I-VAN.

Người sử dụng lao động không thực hiện giao dịch bằng hồ sơ giấy đối với các thủ tục đã đăng ký bằng hình thức giao dịch điện tử trong thời gian đang thực hiện giao dịch điện tử. Trong trường hợp đến hạn nộp hồ sơ BHXH điện tử mà hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử, hạ tầng kỹ thuật chưa khắc phục được sự cố thì người sử dụng lao động được lập hồ sơ BHXH bằng giấy nộp cho cơ quan BHXH trực tiếp quản lý chậm nhất 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ BHXH.

Giao dịch 24/24 giờ

Theo quy định Hồ sơ BHXH điện tử bao gồm: Tờ khai và các tài liệu theo quy định của pháp luật BHXH, BHYT, BHTN ở dạng điện tử.

Các tài liệu kèm theo ở dạng giấy phải được chuyển đổi sang dạng điện tử. Khi tài liệu giấy không còn giá trị pháp lý thì những nội dung liên quan tại thông điệp dữ liệu giao dịch điện tử cũng không còn giá trị pháp lý.

Sau khi hoàn thành Hồ sơ, người nộp hồ sơ BHXH điện tử được thực hiện các giao dịch điện tử qua Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc Cổng giao dịch điện tử của Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết.

BHXH Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN gửi thông báo xác nhận đã nhận được hồ sơ BHXH điện tử đến địa chỉ thư điện tử của người nộp hồ sơ BHXH chậm nhất 15 phút sau khi nhận được hồ sơ BHXH điện tử của người nộp gửi đến.

Được biết, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam đã triển khai thí điểm giao dịch bằng phần mềm hỗ trợ kê khai thủ tục BHXH, BHYT qua phần mềm iBHXH tại 36 tỉnh, thành phố với hơn 30 nghìn doanh nghiệp áp dụng. Với hình thức kê khai này, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH giảm thêm 45 giờ.

Theo đánh giá, nếu thực hiện giao dịch điện tử theo quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ thì lượng thời gian mà doanh nghiệp cần bỏ ra để thực hiện thủ tục BHXH sẽ giảm nhiều và đặc biệt là giảm được các chi phí phát sinh...

Triển khai biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam

Kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2015) để có một bộ sử để lại cho đời sau là cần thiết.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc hoàn thiện, bổ sung Lịch sử Chính phủ 1945-2005 và biên soạn mới Lịch sử Chính phủ từ tháng 5/2005-2015 cần lưu ý bảo đảm tính hệ thống của toàn bộ cuốn biên niên sử 1945-2015.

Việc bổ sung thêm các sản phẩm khác của Lịch sử Chính phủ như phim tài liệu, ảnh tư liệu là cần thiết để tăng cường tính phổ biến của Lịch sử Chính phủ Việt Nam, đồng thời tin học hóa những tư liệu này nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác lưu trữ, tuyên truyền.

* Mục đích của việc biên soạn bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 1945-2015 nhằm phản ánh tương đối toàn diện, đầy đủ, chính xác, trung thực, có hệ thống quá trình ra đời, phát triển về tổ chức và hoạt động của Chính phủ cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.

Qua đó, rút ra những bài học và kinh nghiệm quý báu phục vụ việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước của Chính phủ, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam là tài liệu chính thức giới thiệu về Chính phủ và nền hành chính Việt Nam với bạn bè quốc tế, phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các tầng lớp nhân dân.

Những sản phẩm chính của công trình này là bộ sách Lịch sử Chính phủ Việt Nam, gồm 3 tập (1945-2005) đã xuất bản, có hiệu đính, bổ sung và tái bản; bộ Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam, gồm 5 tập cũng bổ sung tư liệu, hiệu đính và tái bản; Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5/2005 đến 2015 được viết mới và xuất bản; Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2005-2015 được viết mới và xuất bản; Lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-2015 tóm lược và xuất bản.

Tập trung hoàn thành cổ phần hóa 432 DN

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa ký quyết định ban hành Nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2015 của Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, một trong những trọng tâm năm 2015 của Ban Chỉ đạo là tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN); hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và kiểm tra, giám sát hoạt động của DNNN.

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đẩy nhanh việc sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2014 - 2015 theo Phương án, đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập trung hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.

Căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ (Quý I); xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DNNN trực thuộc giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ (Quý III).

Ban Chỉ đạo cũng sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ (đối với những Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty có công ty nông, lâm nghiệp), báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (Quý II).

Một nhiệm vụ trọng tâm khác của Ban Chỉ đạo là theo dõi, đôn đốc việc thực hiện tái cơ cấu Vinashin theo Nghị quyết của Chính phủ và Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu DNNN 2016 - 2020 (Quý IV).

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường và chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN.

Xử lý tình trạng hàng hóa tồn đọng tại cảng biển, cửa khẩu

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về tình trạng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu Việt Nam.

Trước đó, Báo Công an nhân dân điện tử ngày 3/3/2015 có bài: “Cảng biển Việt Nam và vấn đề rác thải” và Báo Hải quan ngày 3/3/2015 có bài: “Trên 1.000 container hàng tồn đọng tại cảng Sài Gòn: Cần xử lý nhanh, tránh lãng phí” phản ánh: Hàng ngàn container hàng hóa hiện đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam (chủ yếu là tại các cảng biển Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh). Đa số hàng hóa trong số này thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, nhập kinh doanh; không được chủ hàng đến nhận hoặc không đủ điều kiện nhập khẩu, bị hư hỏng… Với lượng hàng hóa như trên, cảng biển nước ta đang có nguy cơ thành “bãi rác” của thế giới…

Về việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ kiểm tra thông tin báo chí phản ánh nêu trên về tình trạng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu Việt Nam để kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 này.

Phòng, chống hạn, đảm bảo cấp nước sản xuất nông nghiệp

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về công tác phòng, chống hạn hán, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2014-2015 và Hè Thu, Mùa năm 2015.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, nhận định về tình hình mưa, dòng chảy (kể cả dự báo 10 ngày, tháng, mùa), cung cấp thông tin cho các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đặc biệt là các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thực hiện các biện pháp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn; triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước; tính toán cân đối lại nguồn nước, trong đó cần ưu tiên bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, đối với những khu vực khó bảo đảm nguồn nước cần chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi sang loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn, tránh thiệt hại cho sản xuất.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nhà máy thủy điện phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch điều tiết nước của các hồ thủy điện để phối hợp với các hồ thủy lợi bổ sung nguồn nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rà soát lại quy hoạch sản xuất để phù hợp với khả năng nguồn nước từng vùng, có tính tới tác động của biến đổi khí hậu; nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân hạn hán thiếu nước ở từng khu vực để đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng hạn hán, bảo đảm chủ động trong sản xuất nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nạo vét luồng, khu neo đậu tránh trú bão cửa biển La Gi

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về kinh phí đầu tư dự án mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá cửa biển La Gi, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để nạo vét luồng, khu neo đậu và triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, lập dự án theo quy định và tổng hợp vào kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020 của tỉnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020 để hỗ trợ đầu tư cho tỉnh Bình Thuận theo quy định của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.