Bài thơ như lời thoại một câu chuyện của hai con người, cụ thể là giữa tác giả với người phụ nữ ở xã Thuận Thành, tên một xã trực thuộc tỉnh (theo chủ trương, đầu năm 1950 giải thể các huyện, lập các xã lớn trực thuộc tỉnh, vùng Ninh Phước có 14 xã nhập lại thành 9 xã lớn và đổi tên theo chữ “Thuận”, trong đó có xã Thuận Thành). Thế thôi. Bài thơ chất chứa cảnh đời nhân vật và chất chứa tình cảm của tác giả. Mở đầu bài thơ:
Tôi gặp chị một chiều Ninh Thuận
Vai mang gùi, đầu quấn khăn tang
Chị đi từ dưới xóm làng
Lên thăm em chị ăn làm chiến khu
Thấy mắt chị sưng vù
Tôi hỏi vì sao thế?
Chị bèn kể lể sự tình:
- Quê tôi nguyên ở Thuận Thành trước kia
Quân cướp nước bắt lìa nhà cửa
Chúng dồn dân lần nữa là ba
Ban ngày chúng thả cho ra,
Đêm vào đồn ngủ như là bò trâu...
Tang cha còn trắng trên đầu
Đến chồng bị giết mẹ rầu chết theo
Đứa con dại leo đeo bên nách,
Chú em vào du kích bấy nay
Ruộng hoang bỏ chẳng ai cày
Xâu cao thuế nặng đọa đày tấm thân...
Chị đứng lặng tần ngần
Nghẹn ngào đầy uất hận
Rồi kể thêm số phận chị em:
- Xóm làng vắng vẻ thanh niên
Thoát ly gần hết lên miền chiến khu
Vài thằng ngu đi theo lũ giặc
Phá họ hàng bắn giết bà con
Chị em ở lại trong thôn
Bao nhiêu đau khổ chất chôn vào lòng
Tôi mà đau khổ bao lăm
Chị em đau khổ gấp trăm gấp nghìn...
Chỉ một đoạn thơ, người đọc hình dung toàn cảnh Ninh Thuận thời đó, giặc Pháp dồn dân lập ấp, tình cảnh mọi người dân như bị ở tù, bị kiểm soát gắt gao. Thanh niên thoát ly chiến đấu. Gia đình người phụ nữ tan nát do mất cha, mất mẹ, giặc giết chồng, con còn nhỏ dại, làng quê tiêu điều, hoang vắng. Đâu đâu cũng chỉ là cảnh đời sống cơ cực, đồng bào chìm trong khói lửa chiến tranh. Trong Bài thơ cũng thể hiện ý chí của những người phụ nữ, họ nung nấu lòng căm thù giặc, càng mong đến ngày phản công đánh giặc:
Chị thở mạnh, tay giơ xuống vực
- Kìa anh xem có tức hay không?
Bót đồn nam bắc tây đông...
Bao giờ lệnh tổng phản công
Chắc là đá cũng xuống đồng giết Tây
Bài thơ chỉ như vậy, nhưng để có được những câu thơ như thế, tác giả đã sống hết mình khi sáng tác. Hãy nghe Tế Hanh kể lại quá trình sáng tác bài thơ này: "Đầu năm 1951, tôi cùng Tịnh Hà đi thực tế cực Nam Trung Bộ. Mục đích chuyến đi này là tìm hiểu thực tế để sáng tác và tổ chức lực lượng văn nghệ ở các tỉnh Khu Sáu... Khi còn ở Khu Năm, nghe một số cán bộ từ Khu Sáu ra kể, tôi biết được rằng trên dải đất miền Nam Trung Bộ thời ấy, chiến trường Ninh Thuận là nơi gian khổ nhất. Trong những con người bị chà đi xát lại ấy, phụ nữ là người phải gánh chịu nhiều gian truân, khổ ải nhất, nhưng đó cũng là những người trung kiên nhất của Cách mạng. Người phụ nữ ở đây không hề có tiếng cười, lặng lẽ chịu đựng và kiên quyết đấu tranh, như cuộc sống cần phải thế. Nghe kể xúc động như vậy, một tứ thơ hình thành dần. Tôi ôm ấp mãi tứ thơ đó. Khi vào đến Ninh Thuận, tôi gặp nhiều cán bộ vùng địch hậu vừa lên, tuy cha mẹ, chồng con bị địch giết sạch, bản thân bị chúng bắt bớ, khủng bố, vẫn lặn lội ngày đêm công tác. Gặp nhiều chị có hoàn cảnh na ná giống nhau. Tôi nhận ra rằng, nỗi đau khổ cùng cực kia không chỉ ở một người. Khi đoàn dừng lại ở một trạm trung chuyển gặp anh em bộ đội, cán bộ dùng lon sữa bò làm đàn bầu, hò bài chòi, được bà con hoan nghênh nhiệt liệt, tôi xấu hổ vì thấy mình chưa làm được thơ. Điều này làm tăng thêm sức nung nấu, để đêm đó, tôi về viết bài "Người đàn bà Ninh Thuận", thể hiện lên mặt giấy những gì dồn ứa lâu nay trong lòng...".
Bài thơ chỉ phác thảo những câu rất đỗi bình dị. Không cầu kỳ, không trau chuốt, tác giả viết đã 64 năm nay, song đọc lên, ai cũng xúc động, xúc động vì thân phận những phụ nữ, rộng hơn, cả dân tộc trong thời Pháp đô hộ “gánh chịu nhiều gian truân, khổ ải nhất, nhưng đó cũng là những người trung kiên nhất của Cách mạng”, xúc động nữa là tình cảm chân thành, tình yêu thương của nhà thơ Tế Hanh dành cho đất và người Ninh Thuận bằng bài thơ chí nghĩa, chí tình, nói như tác giả là: “thể hiện lên mặt giấy những gì dồn ứa lâu nay trong lòng...”
Đình Hy