Những năm học cấp ba ở trường thành phố nghe “người lớn” gọi nhau là “đồng chí” anh ngạc nhiên chẳng giống quê mình. Thế rồi, anh tình nguyện vào bộ đội tham gia giải phóng miền Nam trong đợt tổng tiến công mùa xuân năm 1975, cuộc sống quân ngũ cho anh hiểu thế nào là đồng chí.
Trong lần chúng tôi tổ chức mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, anh xúc động kể: “Đồng chí” theo mình cả cuộc đời, nó thiêng liêng và cao cả lắm. Nhắc đến “đồng chí” là mình lại nhớ về những ngày gian khổ nơi công tác chiến đấu trước đây mà “bên nắng đốt bên mưa quây” (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây). Anh chậm rãi kể lại, trong đời quân ngũ có hai lần anh không thể nào quên. Lần thứ nhất là vào mùa mưa, cuối năm 1978, anh bị sốt rét rừng hành hạ gần nửa tháng trời (bệnh sốt rét cách nhật) lúc nóng vã mồ hôi, lúc mà cả “núi” mùng mền, quần áo đắp vẫn lạnh cong người, toàn thân thì “da xanh màu lá”. Cả đại đội lúc này chỉ còn một chén muối hạt, gạo, thực phẩm chỉ đủ cho nhu cầu tối thiểu bởi mưa lũ cuộn mất cầu qua sông, địch phục kích… việc tiếp tế bị cắt đứt. Những gì đơn vị còn lại đều ưu tiên giành cho bệnh nhân nặng, thương binh. Số đông anh em bị mất sức chiến đấu do bệnh sốt rét rừng, do thiếu muối mắt mờ, chân tay run rẩy, những người khá hơn đi đào từng con cua trong hốc suối cạn về giã nấu canh cho các anh “bồi bổ” còn mình thì ăn xác chúng. Nhờ vậy, anh và đồng đội đã vượt qua mùa mưa đầy gian khổ hy sinh năm ấy. Ngừng một chút, như để lòng mình lắng lại cảm xúc về tình đồng đội, anh tiếp tục: Lần thứ hai là vào gần cuối mùa khô năm 1979, đơn vị anh có một tiểu đội được cử về cứ nhận nhu yếu phẩm. Nếu đi đường chính khoảng năm, sáu mươi cây số nhưng vì bảo đảm an toàn, anh em phải đi đường nhánh (lối mòn trong rừng) hoặc đi cắt góc phương vị. Thật không may, lúc về cả tiểu đội bị lạc giữa rừng khộp, mà rừng khộp ở nước bạn thì nhìn chỗ nào cũng giống nhau (như ta ở giữa đại dương mà không có mặt trời hay sao sáng ban đêm để xác định phương hướng). Đã ngày qua thứ ba vẫn chưa thấy các anh về, đơn vị lập tức cử một trung đội toả đi hướng đường đi - về để tìm đồng đội. Hết ngày thứ tư, thứ năm nhưng vẫn không thấy dấu vết các anh đâu cả, mà có dấu vết chăng nữa thì mùa khô ở nước bạn chỉ sau ba, năm giờ gió đã xoá đi tất cả. Ngày ngày đơn vị vẫn cử lực lượng tìm kiếm các anh. Thật may mắn, vào đêm khuya ngày thứ bảy, anh và mấy người bạn rủ nhau đi bẫy nai rừng, cách đơn vị chừng ba cây số về phía tây (phía ngược lại hướng tiểu đội đi nhận nhu yếu phẩm). Đang bàn nhau cách thức bắt nếu nai sập bẫy thì bỗng anh nghe được tiếng gió thoảng “đồng chí ơi”…! Như một ảo giác linh cảm về đồng đội đưa đường dẫn lối nhóm các anh ngược dòng suối khô cạn giữa cánh rừng khộp bạt ngàn gió thổi vi vu. Đi được gần cây số, dưới ánh đèn pin hiện lên thân người nằm dài trên vũng nước chỉ còn bùn lá cây. Đúng là đồng đội mình rồi nhưng gọi tên sao anh không hé miệng…bọn mình tức tốc bắn ba viên đạn lửa (tín hiệu nguy hiểm cần tiếp viện), không đầy nửa giờ sau lực lượng của đơn vị đã có mặt cùng các anh tìm kiếm và đưa họ về đơn vị chữa trị. May mắn là nhóm chiến sĩ chỉ kiệt sức do không có nước uống, nhờ sự chăm sóc tận tình của đồng đội ít ngày sau cách anh khoẻ dần trở lại.
Kể xong, chúng tôi thấy mắt anh nhoà lệ. Những mẩu chuyện về tình đồng chí trong anh làm chúng tôi bồi hồi rung động theo như chính mình là người trong cuộc. “Đồng chí ơi” vì thế đã trở thành máu thịt trong anh rồi. Đến nay, đã gần bốn mươi năm đất nước được giải phóng, chúng ta bước vào kỷ nguyên công nghiệp hoá, hiện đại hoá xây dựng đất nước “đàng hoàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác Hồ dạy. Cách xưng hô trong cuộc sống, trong công tác có những chuyển biến phù hợp với văn hoá Việt, gần gũi hơn, thân thương hơn như xưng hô gọi nhau bằng “chú hai”, “anh hai”, “anh sáu”, “chú ba”, “anh chín”…Có lẽ gọi nhau như vậy đời thường hơn nếu như không có chuyện người ta dùng “đồng chí” để chỉ khi nào đó kiểm điểm phê phán nhau, để bày tỏ thái độ không đồng tình với đồng nghiệp mình về một quan điểm, một việc nào đó…Và khi ai đó được người khác gọi là đồng chí thì lòng mình “nặng trĩu”. “Đồng chí ơi”! tiếng gọi từ trái tim chỉ như cơn gió thoảng nhưng trải qua hàng thập kỷ những người đồng đội vẫn không sao quên được vì đồng chí là những người sống chết có nhau, chiến đấu hy sinh vì nhân dân, vì đất nước, vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Vậy nên, xin hãy thường xuyên gọi nhau là đồng chí để “đồng chí ơi” là tiếng gọi luôn ở trong con tim mỗi người.
Thanh Tâm