Ờ nhỉ, thời ấy ba mẹ yêu nhau, lấy nhau, rồi sinh con, nuôi con, chao ôi biết bao nhiêu là chuyện mà giờ nhớ lại cũng nhiều xót xa như tiếng thở dài. Vậy mà thời đó, người ta vẫn cứ sống vui vẻ, hồn nhiên, còn biết sẻ chia lại ít mặc cả, đắn đo. Con gái hỏi vì sao. Mẹ cười cười lắc đầu biểu hỏi ba.
Ảnh minh họa.
Con gái thấp bé, nhỏ con, tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng xin việc không dễ. Bây giờ nhiều cơ quan, công sở, nhất là các công ty tư nhân người ta tuyển nhân viên theo tiêu chuẩn đầu tiên là “phải có ngoại hình”! Ba bảo đừng buồn, ba mẹ gà ri sao đẻ ra gà nòi cho được. Mẹ không chịu, có nhiều người cũng nhỏ thó như mình mà con cái họ to lớn phương phi. Mẹ bùi ngùi, cũng tại ngày đó mình nghèo túng quá lấy đâu mua sữa, mua thức ăn ngon cho con bồi dưỡng. Con gái vô tư, con vầy cũng tạm rồi, có sao đâu mẹ.
Câu chuyện lòng vòng một hồi cô nhà báo cũng chưa thể tin chuyện tháng lương giáo viên mà mẹ chỉ vừa đủ mua tặng cho ba được một xấp vải may chiếc áo sơ mi thời hai người mới yêu nhau. Không hình dung nỗi cảnh ba mẹ phải xoay sở thế nào khi cả hai chỉ có chung một chiếc xe đạp mà hai chỗ làm cách nhau gần bảy cây số. Rồi cảnh hai vợ chồng trẻ và hai đứa con nhỏ đêm mùa mưa nằm co trên một chiếc giường dưới mái tôn rách thủng nhiều chỗ phải chắp vá bằng nhiều tấm ni-lon…
Xong chuyện, con gái chưa thỏa mãn. Điều con muốn biết là vì sao thời đó khổ vậy mà mọi người vẫn yêu nhau thắm thiết. Nếu bảo vì nghèo mà người ta dễ cảm thông, luôn bằng lòng với những gì đang có nên ít đắn đo, do dự và hồn nhiên yêu thương thì cũng chưa hẳn. Nhưng những tháng ngày vừa chấm dứt chiến tranh, bom đạn đã thuộc về quá khứ, đã thôi chia ly mất mát, “đã được thành chồng thành vợ”, đã được cùng đợi nhau bữa cơm dù bo bo, khoai lang nhiều hơn gạo người ta cảm thấy phải trân quý và chắc chiu từng giây phút tình yêu. Lòng vị tha chưa phải là món quà xa xỉ mà mọi người luôn sẵn lòng tặng nhau giữa những ngày nghèo khó! Chẳng lẽ thời nay, cuộc sống khá giả, giàu sang làm cho tình yêu nhạt nhẽo và vô vị? Ba không muốn tranh luận vói con theo hướng cuộc sống đủ đầy vô tình mang đến cho con người ít nhiều hệ lụy mà trong những biểu hiện là căn bệnh xem trọng hình thức, vật chất đã ít nhiều phù phiếm hóa đời sống.
Con gái 22 tuổi, đang đứng trước ngưỡng cửa tình yêu lại muốn ngược thời gian xem khuôn mặt tình yêu thời bao cấp của ba mẹ như thế nào. Nhanh quá, mới đó mà đã…
Sáng cuối tuần ngồi quán cà-phê với mấy bác làm văn nghệ, đang thao thao chuyện trên trời dưới đất, chuyện nhiều cặp vợ chồng gắn bó với nhau suốt mấy mươi năm tự thuở hàn vi đến khi con cái lớn khôn, giờ giàu sang lại đưa nhau ra tòa vì “bỗng thấy không hợp nhau nữa”, chuyện cô giáo nọ ngoài bốn mươi vẫn ly hôn vì ông chồng quá “hai lúa”, tự nhiên ba bỗng chạnh lòng. Có mấy khi mẹ được rảnh rỗi mà quán xá chứ nói gì đến lớp thể dục thẩm mỹ, câu lạc bộ khiêu vũ như nhiều chị em khác.
Bỗng dưng ba muốn chạy nhanh về nhà để hát tặng mẹ một câu vừa nghe ở quán cà-phê “anh còn nợ em/công viên ghế đá/ lá đổ chiều êm/ anh còn nợ em/ nụ hôn vội vàng/ nắng chói qua rèm”. Đúng rồi con gái, ba còn nợ mẹ một mùa yêu nhưng nếu nói ra mẹ sẽ cười bảo ba mày bỗng dưng quá sến.
Bùi Diệp