TRUYỆN NGẮN:

Những mùa đông xa phố

(NTO) Buổi tối đầu đông tràn trề gió. Cô so vai bước bên người bạn thân mà cũng đã rất lâu mới có dịp gặp lại. Gần mười năm rồi còn gì. Ngày đó nơi đây còn là thị xã “vừa nhỏ bé, vừa đìu hiu chỉ hào phóng nắng và gió…” .

Cô chợt trích lại nguyên văn đoạn miêu tả của Thảo về quê nhà yêu dấu của mình trước chuyến về Phan Rang thực tập và hoàn thành đồ án tốt nghiệp của nhóm ba đứa cùng lớp chăn nuôi của đại học Nông Lâm ngày đó.

- Sao, giờ trở lại “hoang mạc của Cỏ” bồ thấy thế nào, có nhúc nhích gì không? Thảo lên tiếng hỏi bạn mà lòng thấy hân hoan.

Hai cô gái bước chầm chậm dọc theo công viên Quảng trường 16 tháng Tư. Đêm cuối tuần đội văn nghệ xung kích đang “Hát cho nhau nghe”. Sân khấu như mọi khi vẫn dàn dựng ngay bên dưới tượng đài phía bắc quảng trường. Tiếng nhạc phóng thanh trên giàn loa công suất cực đại vẫn không át được tiếng gió. Thiên nhiên nơi đây vẫn hồn nhiên hào phóng và thanh bình như những ngày xưa. Cô chưa kịp nói ra nhận xét thú vị ấy với bạn thì câu nói trêu bạn ngày xưa bỗng ùa về: “ Nắng gió kiểu này ai dám về làm dâu chỉ có Cỏ là can trường bám trụ, ha ha…”. Đôi bạn vẫn hồn nhiên như thuở cùng ngồi trên ghế giảng đường, cùng bám đồng ruộng, núi đồi trong những chuyến thực tế, thực tập. Ngày đó lớp cô vẫn gọi Thảo là Cỏ: Cỏ Phan Rang.

Giờ “Cỏ Phan Rang” đã bình yên với mái ấm của mình. Thảo vẫn kiệm lời khi nói về mình nhưng qua bạn bè, cô biết rằng Cỏ đã rất nỗ lực và chịu khó học tập nghiên cứu và những đóng góp cho ngành chăn nuôi cừu, dê của Cỏ có ý nghĩa đối với công cuộc kiến thiết nông thôn quê bạn. Và tên bạn cũng đã được nhắc với những bài báo khoa học chuyên ngành.

- Phương Thảo là Cỏ Thơm đúng không bồ? Không tin lật từ điển Nông học ra xem! Cô chợt hỏi Thảo mà lòng thấy tự hào về người bạn xứ nắng gió nhưng rất hiếu học.

Cả hai cùng cười vang vang trong gió lạnh. Đúng là bệnh nghề nghiệp có chết vẫn còn mê. Nhưng có một người đã rời bỏ “nhóm ba” chắc vì lẽ anh ta chọn lầm nghề nên không mê. Và anh ta rẽ ngang mang theo rất nhiều “chiêm bao” của cô gái trẻ. Câu chuyện đang vui bỗng dưng chùng xuống.

Cả hai chọn một chiếc ghế đá xa xa đôi tình nhân đang quấn quýt bên nhau. Cô hỏi Thảo về Phúc, chồng Thảo và bé Cỏ Con của hai người. Phúc thì đang là thầy giáo một trường trung học phổ thông của một huyện miền núi. Tháng về thăm vợ con đôi lần. Cỏ Con mới vào lớp Một, ngoan và biết thương mẹ. Hôm nào mẹ đi công tác xa thì níu bà ngoại. “Cuộc đời tao chắc là cột chân với chồng con và dê, cừu của xứ nắng gió này, chắc là mãi mãi…”.

- Vậy là phước đức lắm rồi đó bồ ơi. Nhiều người muốn như bồ mà có được đâu. Chẳng hạn như “ta đây là ứ ư ư…”. Vừa cười nói cô cao hứng đứng dậy quơ tay múa theo điệu bộ hát bội mà ngày đó “nhóm ba đứa” đi thực tế ở vùng Núi Bạc Quán Thẻ được một bác nông dân nuôi dê gốc Bình Định dạy cho vui những đêm núi rừng hoang vu. Mỗi lần nhớ Ninh Thuận, nhớ bạn xưa là cô ra bộ hát bội mấy câu học lỏm cho vui.

- Xin lỗi, phải chị Gió và chị Cỏ đó không?

- Ai như là… Trời ơi thằng Núi. Phải Núi không?

- Em đây. Núi đây, còn đây là vợ mới cưới của em.

Hóa ra cặp tình nhân trên chiếc đá mà hai cô cố tránh xa vì lịch sự là vợ chồng thằng Núi. Ngày nhóm ba đứa về núi Đá Bạc thực tập ở mấy trại dê có ở nhờ nhà nó. Nhà nó nuôi dê thả núi nhưng ít nên nó tranh thủ nhận chăn thuê thêm cho mấy chủ trại lân cận. Hôm đầu tiên mới về trại, vì là con gái thành phố nên cái gì của rừng núi nơi đây cũng đều lạ lẫm với Mai. Lúc chạng vạng thằng Núi lùa đàn dê xuống núi cô theo sau định phụ nó một tay tách đàn dê đem trả từng trại. Nhìn cảnh bà chị kỹ sư chăn nuôi tương lai loay hoay nó cười lớn bảo đừng hoài công vì dê, cừu “khôn” lắm nó tự biết đường về nhà. Nhìn đàn dê tự tách đàn từng nhóm rẽ về “ nhà” mình cô rất ngạc nhiên. Đêm đó cô được ba Núi và anh “Tiên” giải thích về những tập tính của những loài vật nuôi nơi đây thật thú vị. Cô dần dần xóa đi cảm giác xa lạ và lẻ loi.

- Em. Đây là chị Cỏ, người quê mình còn đây là chị...Gió quê Sài Gòn. Mà, hai chị ác thiệt, không cho em biết tên thật cho mãi đến bây giờ.

Thằng Núi trách mát hai cô gái và cũng để phân trần với vợ vì sao bảo người quen mà không biết tên thật.

- Còn anh Tiên giờ ra sao? Núi hỏi về người thứ ba của nhóm ba đứa.

- Chuyện anh Tiên thì dài lắm. Lâu rồi các chị cũng quên luôn. Nhưng giờ chị kể vì sao anh ấy có tên là anh Tiên để đền về sự vắng mặt của anh ấy nhé. Gió cười tươi và tỏ ra không quan tâm lắm về chuyện chàng trai duy nhất trong nhóm ba đứa mà cô hết lòng yêu thương và nể phục vì tính tình và tài năng đã bỏ nghề rẽ sang ngả khác, bỏ lại quê nhà với biết bao khát vọng của một thời trai trẻ. Thực ra trở lại Phan Rang sau rất nhiều năm mà không gặp được đủ mặt nhóm ba đứa cô rất buồn.

- Sao. Tiên cũng chỉ là tên hiệu các chị đặt cho anh ấy à? Trời đất, hay thiệt đó, thôi chị giải thích đi. Núi nóng lòng muốn biết chuyện.

- Vầy nhé, lần đầu về quê em, thấy toàn là núi rừng chị cứ trầm trồ và thích thú lắm. Một buổi chiều, chị leo dốc ngắm cảnh để đỡ nhớ Sài Gòn, lúc nhìn lên đỉnh dốc thấy anh ấy đứng ven gộp đá trông như sơn nhân nên chị đặt cho anh ấy biệt danh là anh Tiên. Ông nội chị là nhà nho, dạy chị chữ Nho. Chữ “nhân” đứng cạnh chữ “sơn” thành chữ “tiên”. Người đàn ông đứng bên núi là ông tiên. Thấy anh ấy còn trẻ nên gọi là anh tiên cho tiện.

Cả nhóm bốn người ôm bụng cười thích thú. Núi cho biết cậu ta đang nối nghiệp gia đình, đang phát triển trại dê theo mô hình chuyên canh kết hợp trồng cỏ chứ không hoàn toàn dựa vào tự nhên. Chàng trai mời hai chị có dịp nhớ về thăm lại chốn xưa.

- Chắc khi nào hai chị đến chúng em đã có em bé. Nãy giờ vợ Núi mới nhỏ nhẹ lên tiếng. Gió mừng cho vợ chồng chàng trai mà nghe chạnh lòng, anh Tiên đã mang theo mối tình của Gió. Coi vậy mà cả đời Gió cứ lẻ loi…

Đêm đầu đông tràn trề gió. Lại một mùa đông xa thành phố. Ôi chao, miền nắng gió quê bạn mà sao cứ duyên nợ với cô gái Sài Gòn. Ngày mai về lại thành phố chắc Gió sẽ nhớ rừng núi một thời thiếu nữ, nhớ cô Cỏ Phan Rang, nhớ cậu Núi và cả những kỷ niệm không thể gọi tên. Nhất định sẽ trở lại, cô nhủ thầm.