Tuy có vẻ không được tự nguyện cho lắm nhưng được cái “mưa dầm thấm lâu”, đọc riết rồi quen, nghe riết rồi nhớ. Mà cũng có những tờ báo có bài đăng của một số thầy, cô giáo và học sinh trong trường, với những tờ báo như vậy học sinh rất hứng thú còn tìm đến tận Thư viện để đọc đi đọc lại nhiều lần.
Như sáng hôm nay, khi Lớp trưởng đang ổn định trật tự lớp thì từ ngoài hành lang phòng học, tiếng Lớp phó văn thể đã oang oang:
- Kiều Như lớp mình có bài đăng báo nè các bạn ơi!
Cả lớp xôn xao, cặp mắt nào cũng đổ dồn về phía Lớp phó văn thể, một vài cái miệng khống giấu nỗi sự tò mò:
- Đâu? Đâu? Đăng bài gì vậy? Đọc cho cả lớp nghe đi!
- Lớp trật tự! Đọc thơ phải có không khí chứ.
Lời nói của Lớp phó văn thể nhanh chóng có tác dụng. Cả lớp lặng im chờ đợi nhưng ở cuối phòng vẫn có một câu nói vang lên:
- Thơ tình phải không Như?
Nãy giờ Kiều Như cứ đỏ mặt, bẽn lẽn, nghe hỏi bỗng giật mình, ngập ngừng:
- Ừ thơ tình nhưng là tình … mẫu tử.
- Woa! Để cho Như đọc đi. Tác giả đọc mới hay. Nhớ nói về hoàn cảnh sáng tác nữa nghe Như.
Trước lời đề nghị chính đáng, không thể chối từ ấy, Kiều Như từ từ đi lên trước lớp, bắt đầu mở lời bằng giọng run run, hồi họp:
- Có người mẹ nào không yêu thương những đứa con của mình? Không làm tất cả để chúng có được cuộc sống đủ đầy nhất có thể? Mẹ mình cũng là một người như thế. Có một lần mình sốt đến mê man. Khi tỉnh giấc đã quá nửa đêm. Hình ảnh đầu tiên mình nhìn thấy được đó là mẹ mình đang ngồi ngủ bên giường. Chắc là bà đang lo lắng lắm cho bệnh của mình rồi ngủ quên lúc nào không hay. Hình ảnh đó cứ luôn ám ảnh mình. Bài thơ này thay cho lời tri ân của mình về mẹ.
Mẹ tôi
Mẹ ngồi cạnh đèn dầu sắp cạn
Leo lét gió lùa giá lạnh buốt bàn tay
Mẹ run lên khi mỗi cơn gió đến
Mẹ khẽ cười khi thấy con ngủ say.
Năm tháng dãi dầu gồng gánh bán mua
Nắng mưa đổ về đôi vai gầy của mẹ
Mẹ chịu đựng khi thấy đàn con trẻ
Được học hành, vui vẻ như những đứa trẻ đến trường quen.
Tràng pháo tay giòn giã, kéo dài của lớp làm cho Như hạnh phúc lắm. Xếp tờ báo ngay ngắn bỏ vào cặp đợi tan học về khoe với mẹ.
Như nôn nao trông cho buổi học kết thúc, để chạy y về nhà nhưng sao lạ quá buổi học hôm ấy như kéo dài ra...
Đặng Quang Sơn