Phước Thắng: Nâng cao thu nhập cho người dân từ mô hình trồng chuối sứ

(NTO) Phước Thắng là xã miền núi của huyện Bác Ái, với 95% dân số là đồng bào dân tộc Raglai. Vài năm trở lại đây, từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con chuyển sang trồng chuối sứ đã mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập.

Thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, đầu năm 2013, xã Phước Thắng triển khai mô hình chuối sứ trên diện tích 9,6 ha, cho 51 hộ nghèo, với kinh phí hơn 42 triệu đồng. Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối. Ngoài ra, còn được cán bộ nông nghiệp xã trực tiếp hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, kiểm tra định kỳ quá trình sinh trưởng của cây chuối... Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, cây chuối sứ đã khẳng định được ưu điểm vượt trội, mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân.

 

Mô hình trồng chuối sứ góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào Raglai
xã Phước Thắng (Bác Ái).

Theo các hộ thực hiện mô hình, thì cây chuối sứ rất dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian cho thu hoạch ngắn. Bình quân mỗi ha trồng từ 400 - 450 cây, mỗi buồng chuối trung bình nặng từ 10 - 12 kg, với giá bán 4.000 đồng/kg, mỗi ha chuối mang lại thu nhập cho nông dân từ 40 – 50 triệu đồng/năm. Chị Chamaléa Thị Khiếm, ở thôn Ma Ty phấn khởi cho biết: Trước đây, nhà mình cũng trồng một số cây chuối xung quanh rẫy dùng để ăn hoặc làm thức ăn cho gia súc, không nghĩ đến việc đem ra chợ bán. Nhưng từ khi xã triển khai mô hình trồng chuối sứ, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tận tình, nên chỉ với 5 sào chuối đã giúp gia đình có tiền trang trải chi phí hàng ngày. Anh Kator Sống, ở thôn Ma Oai, khi tham gia mô hình được cấp 50 cây chuối giống, đến nay, từ những gốc chuối ban đầu, anh Sống đã nhân lên gần 150 cây. Hiện tại vườn chuối của anh đang phát triển rất tốt, dự tính trong năm nay, gia đình anh sẽ có một mùa chuối bội thu.

Đồng chí Kator Chiêu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng cho biết: Hiện địa phương có hơn 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng đa phần là diện tích đất sỏi, khô cằn lại nằm trong khu vực thiếu nước tưới, nên sản xuất nông nghiệp của người dân rất hạn chế, nhất là khâu chọn giống cây trồng thế nào cho thích hợp. Việc đưa cây chuối sứ vào trồng ở xã Phước Thắng là phù hợp, bởi chuối là sản phẩm cho thu hoạch quanh năm, chi phí thấp, ít sâu bệnh, có thị trường dễ tiêu thụ. Nếu so với các loại cây trồng khác ở đây, cây chuối là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao.

Có thể nói, cây chuối sứ đã thực sự “bén rễ” ở vùng đất Phước Thắng, vì lẽ loại cây trồng này không chỉ cho năng suất cao, mà còn góp phần giảm xói mòn đất, xanh hóa đồi trọc; xóa đói, giảm nghèo. Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình, xã Phước Thắng dự kiến tăng diện tích thêm 6 ha vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, để mô hình phát triển và nhân rộng hơn nữa thì rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, mở ra hướng chuyên canh tập trung mang tính hàng hóa, ổn định “đầu ra”, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Raglai tại địa phương.