Giải pháp nào để ổn định vùng nguyên liệu chế biến Ninh Sơn?

(NTO) Ninh Sơn là huyện miền núi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây công nghiệp ngắn ngày như mía, mì. Khai thác tiềm năng lợi thế, trong định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015, địa phương chú trọng xây dựng vùng chuyên canh cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, với thực tế sản xuất chạy theo lợi ích trước mắt của nông dân hiện nay, vùng cây nguyên liệu đang có những xáo trộn, nguy cơ phá vỡ quy hoạch.

Đầu niên vụ thu hoạch mía, mì năm nay, chúng tôi về xã Quảng Sơn, Hòa Sơn, Mỹ Sơn (Ninh Sơn) - vùng trọng điểm trồng cây nguyên liệu của tỉnh chứng kiến nỗi lo của nông dân. Hàng trăm ha mía ở khu vực Vườn Trầu, Suối Mây (Quảng Sơn) lá khô rục dễ làm “mồi” cho lửa! Anh Nguyễn Văn Chung ở thôn Triệu Phong, lo lắng: Theo thông báo của nhà máy, phải 2 tháng nữa mới đến lượt thu mua mía của tôi. Từ nay tới đó, phải tích cực thăm đồng phòng ngừa “bà hỏa”. Không những vậy, hộ trồng mía còn đối mặt với nhiều khó khăn như sâu bệnh hoành hành, giá mía ngày càng giảm. Chỉ riêng niên vụ này có khoảng 70 ha mía bị bệnh trắng lá làm hư hại hoàn toàn. Đó là chưa kể đến chi phí đầu tư, giá thuê công sản xuất mía ngày càng cao dẫn đến lợi nhuận thấp.

Anh Trương Đình Dũng, thôn Triệu Phong, xã Quảng Sơn trồng giống mía k95 năng suất đạt 10 tấn/ha. 
Ảnh: Anh Tùng

Khó khăn trong trồng mía khiến cho nhiều nông dân chuyển qua trồng mì. Anh Bùi Quang Thuận, người ở địa phương, cho biết: Trồng mì ít tốn công, đầu ra rộng, sản xuất 1 ha lãi 30 triệu đồng, trong khi trên cùng một diện tích nếu trồng mía chỉ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Do người dân có xu hướng “đuổi theo” cây mì một cách tự phát, nên diện tích mì “mở rộng” tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, diện tích cây mì ở địa phương ngày càng tăng, năm 2013 là 2.500 ha, đến nay khoảng 2.600 ha. Tuy nhiên, trên thực tế có khá nhiều diện tích mì các hộ trồng rãi rác trong rừng vẫn chưa thống kê được một cách chính xác. Việc phát triển cây mì “quá đà” như hiện nay dẫn đến hệ lụy là không ít khu rừng bị người dân “phá” để trồng loại cây này. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vài năm trở lại đây, chỉ riêng ở xã Ma Nới có đến 500 ha rừng bị phá trồng cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó phần lớn là mì.

Ninh Sơn quy hoạch vùng cây nguyên liệu với tổng diện tích ổn định 5.000 ha, chia đều cho mía và mì. Nhưng với thực tế sản xuất của bà con như hiện nay, thì chỉ vài năm nữa diện tích cây mì sẽ tăng thêm, trong khi cây mía thu hẹp lại. Sự phát triển mất cân đối của hai loại cây trồng này dẫn đến không đảm bảo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, giá cả lên xuống thất thường, “cuốn” nông dân vào vòng xoáy “phá mía trồng mì - phá mì trồng mía” đầy rủi ro. Thực tế niên vụ 2013-2014, trong khi Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Ninh Sơn không bao tiêu hết sản lượng mì của nông dân, thì Công ty CP Mía đường Phan Rang phải ra tận Khánh Vĩnh, Diêm Khánh (Khánh Hòa) mua thêm trên 20.000 tấn mía mới đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

 
Nông dân huyện Ninh Sơn thu hoạch mì. Ảnh: Duy Anh

Để vùng cây nguyên liệu phát triển bền vững, vấn đề không phải mở rộng diện tích, mà là tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao lợi nhuận cho hộ trồng. Đạt được mục đích này, chỉ còn cách đầu tư mở rộng hệ thống thủy lợi, đưa giống mới vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Đề cập đến nước tưới cho vùng nguyên liệu mía, mì Ninh Sơn, đồng chí Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng và địa phương chú trọng đầu tư hạ tầng vùng cây nguyên liệu như làm đường bê - tông, nâng cấp các tuyến kênh mương. Tuy vậy, hiện nay cũng mới có khoảng 40% diện tích mía, 20% diện tích mì chủ động được nước tưới, phần lớn còn lại sản xuất phụ thuộc nước trời.

Dù đã có nhiều cố gắng trong khâu thủy lợi, nhưng để “đẩy ngược” nước lên khu vực mía, mì trên cao như ở Suối Mây, Vườn Trầu… là rất nan giải. Khắc phục khó khăn, niên vụ 2013 -2014 Công ty CP Mía đường Phan Rang đã triển khai mô hình đào hồ chứa nước tưới bổ sung tại hộ anh Nguyễn Đức Thoại ở xã Quảng Sơn. Ưu điểm của mô hình đã tăng năng suất từ 60 tấn/ha lên 80 tấn/ha, đến nay đã được nhân rộng ra 50 hộ với diện tích tưới 200 ha. Niên vụ này, huyện Ninh Sơn cũng đã phối hợp với Công ty CP Mía đường Phan Rang triển khai mô hình thí điểm tưới nước nhỏ giọt tại 2 hộ trồng mía ở xã Quảng Sơn.

Riêng sử dụng giống mới và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mía, mì đã có những chuyển biến tích cực. Thông qua chương trình khuyến nông, hiện nay bà con đã đưa các loại giống mía tiềm năng như K88-92, K95-156, KK3…vào sản xuất, giảm tỷ lệ giống cũ từ 65% năm 2013 xuống còn 40% hiện nay. Các giống giống mì mới có năng suất cao, đạt từ 30 - 35 tấn/ha như KM 228, KM 140, Cút Xanh cũng được bà con đưa vào sản xuất trên diện rộng.