Đôi khi ngã bệnh bị cha bắt ở nhà tôi vẫn khóc lóc nằng nặc đòi cha chở đến trường. Cha cứ nghĩ rằng may mắn có đứa con ham học chứ cha đâu biết tình cảm tôi dành cho cô, cha đâu biết trong tâm hồn trẻ thơ của tôi đã sáng một vầng trăng. Khoảng giữa năm lớp một, tôi bị sốt cao, cha quáng quàng đưa tôi đến bệnh viện. Trong cơn mê sảng tôi gọi tên cô. Cô đến. Tôi mừng quá vội trườn xuống gường chạy ào đến ôm cô, khóc nấc lên. Cô vỗ nhè nhẹ lên lưng tôi “Ngoan nào! Lớp trưởng mà khóc nhè về trường các bạn cười cho. “Con ngoan nhé! Thảo vâng lời cô ở lại đây ít ngày cho khỏi hẳn bệnh rồi hãy về đi học lại”. Cô hôn lên trán tôi rồi chào cha tôi, cô về.
Bước vào lớp bảy tôi bắt đầu hiểu khái quát về tình luyến ái. Tự trong thâm tâm tôi muốn cô đến với cha. Sáu năm qua kể từ lần đầu tiên cô đến nhà, cha đã thay đổi, gần như lột xác trở thành một người khác hẳn xưa. Những tật xấu của đàn ông như uống rượu, chửi thề, nói tục, cha đã giảm hoặc bỏ hẳn.
Hết học kỳ một năm ấy, cô đến thăm cha con tôi cùng với một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi. Cô giới thiệu với cha “Đây là anh Vinh mới đi du học ở Mỹ về, là chồng sắp cưới của em”… Tôi cảm nhận một thoáng sững sờ trong ánh mắt của cha sau lời giới thiệu của cô. Và lần đầu tiên tôi nghe cha nói năng với những ngôn từ chuẩn xác, cử chỉ lịch thiệp khiến tôi cứ mãi ngờ ngợ, băn khoăn…
Cô và chú Vinh nhận lời mời dùng cơm của cha. Ăn cơm xong, cha và chú Vinh nghỉ trưa. Cô ôm tôi nép vào lòng cô, giọng cô thủ thỉ “Cô sắp phải xa con. Tháng sau cô và chú Vinh làm đám cưới rồi sang năm cô chuyển vào thành phố dạy. Con biết không? Chú Vinh cũng mồ côi đó! Đau đớn hơn cô và con, chú không biết cha mẹ là ai. Chú lớn lên từ làng SOS. Khi nghe cô kể về gia đình con chú rất cảm thông và gợi ý, ủng hộ cô năng lui tới. Con có một người cha rất tốt, biết chịu đựng, hy sinh tất cả vì con. Con phải hiểu con may mắn có được người cha như thế”.
Cô đứng dậy nắm tay tôi kéo đứng lên theo. Hầu như vô thức, tôi nói “Thưa cô…Thưa cô cho phép con một lần được gọi cô bằng mẹ!”. Tôi chờ đợi. Và tôi thấy một thoáng bối rối trong mắt cô, rồi cô khẽ gật. Tôi lại vòng tay ôm chầm lấy cô, thốt lên “Mẹ!”. Hình như tôi có khóc.
****
“Ai tìm mày kia Thảo ơi!”.
“Chắc là má mày đi Mỹ mới về trông sang và đẹp lắm Thảo ơi!”.
Chúng bạn tôi nhao nhao gọi tôi. Một người phụ nữ khoảng ba mươi lịch sự trong bộ com lê màu ghi sáng, tóc uốn bờm sư tử, vai mang túi xách, đăm đăm nhìn tôi bước tới. Ôi trời! Mắt này, môi này, mũi này, khuôn mặt này, giống tôi như tạc. (Tôi càng lớn càng được bạn bè khen đẹp và cô bác hàng xóm nói tôi giống mẹ như đúc). “Thảo đấy à con?”. Bà lên tiếng và bước qua cổng đến bên tôi. Tôi vẫn đứng bất động, vẫn sững nhìn. “Cô…cô là ai? Cháu không quen biết cô.”. Nước mắt chảy thành hàng xuống khóe môi, bà nói mau “Là mẹ…Mẹ là mẹ của con. Mẹ trở về với con đây!”. Tôi bước thụt lùi, vừa lùi vừa nói “Không! Cháu không có mẹ. Cháu không có mẹ”.
Bạn học của tôi và các học sinh đi học sớm thấy chuyện lạ kéo đến quây thành vòng quanh tôi và bà ấy. Người phụ nữ đứng dậy lấy khăn tay chậm nước mắt. Nước mắt làm khuôn mặt thoa phấn của bà hằn hai vết dài.
Cô đến. Học sinh giạt ra nhường lối cho cô và bác bảo vệ vừa tới. Cũng như tôi, cô nhìn sững người phụ nữ và tôi. Cô nói “Có thể tôi đã hiểu. Sắp đến giờ vào lớp rồi. Chị nên về. Ta nói chuyện sau”.Cô gật đầu chào bà ta, nắm tay tôi trong khi bác bảo vệ lớn tiếng bảo học sinh giải tán.
Kết thúc buổi học. Cô đến lớp bảo tôi lên xe cô chở về. Về đến cổng nhà tôi gặp người phụ nữ đang đi ra. Bà ta gật đầu chào cô rồi nhìn tôi đăm đắm, khẽ nói “Con…con của mẹ. Hãy tha lỗi cho mẹ”. Cô nói với tôi “Vào nhà, cô cần nói chuyện với cha con. Chuyện người lớn. Con ra sau nhà nhé!”.
Hôm sau cha bảo tôi đến trường sớm cho cô gặp riêng.
“Thảo à, cô đã nói chuyện với cha con. Mới nhìn cô đã biết người ấy là mẹ ruột con. Với mẹ, con đừng vội trách mẹ, đời người có những uẩn khúc chỉ hiểu mà không thể giãi bày con ạ. Hãy gọi mẹ bằng tất cả xúc động của trái tim con, Thảo nhé!”.
Qua kỳ nghỉ hè, tôi bước vào những ngày đầu của năm lớp tám thì cha chấp nhận sự trở về của mẹ. Sự ra đi của mẹ hóa ra không như tôi nghe hàng xóm nói. Cha và mẹ đều đau khổ như nhau. Đau khổ vì cái tôi quá lớn để đánh đổi bằng mười hai năm xa cách. Mười hai năm vẫn giữ trọn lòng chung thủy cũng đủ nói lên tư cách thay cho câu chuyện dài của cha và mẹ.
Tôi giờ là một cô giáo với tình yêu học trò cô truyền cho tôi từ lúc chập chững những bước chân đầu tiên đến trường. Cứ mỗi mùa đông về mang theo cái khí lạnh se sắt tôi lại nhớ về tuổi thơ, nhớ cô, nhớ một vầng trăng yêu thương luôn tỏa sáng trong trái tim tôi.
Phụng Tú