Thương tiếng mẹ ru

1. Nhân loại sinh ra từ mẹ. Hay nói đúng hơn con người khởi nguồn một kiếp nhân sinh từ mẹ. Dòng sữa ngọt và lời ru của mẹ là dưỡng chất nuôi lớn thân xác và tâm hồn ta. Mẹ ru ta bằng lời ăn tiếng nói hằng ngày: đơn sơ, mộc mạc nhưng thấm đượm nghĩa tình. Tình quê hương xứ sở, tình máu mủ ruột rà, tình láng giềng làng nước, tình “bầu bí chung giàn”. Đó đâu phải là những lời rao giảng về đạo đức hay thuật đối nhân xử thế cao xa mà là mẹ đang hát. Những bài hát ru là tiếng lòng của mẹ. Đó là tài sản vô giá mà ngày xưa bà cho mẹ rồi bây giờ mẹ cho con và cứ thế những bà mẹ Việt Nam từ đời này qua đời khác đang cất lời ru con vào giấc ngủ non tơ. Cứ thế, cứ thế trên dải đất cong cong hình chữ S này những thế hệ phụ nữ truyền đời nhau làm mẹ và lại ru những đứa con bằng câu hát à ơi.

 
Ảnh minh họa.

2. Một trưa hè lồng lộng gió nồm, bên cánh võng dưới rặng dừa miền Trung cát trắng, bà mẹ Quảng Nam hay Tuy Hòa, Phan Rang đã hát. Một chiều thu se sắt heo may tay nhịp nhàng đưa nôi êm êm và bà mẹ sông Hồng, sông Thương đã hát. Và rồi giữa những đêm thành đô rộn ràng phố xá hay tận những xóm làng ven những kênh rạch xa xôi những bà mẹ Nam bộ đã hát. Mẹ hát bằng thứ ngôn ngữ truyền đời: Tiếng Việt. Đó là Tiếng Nước tôi. Tiếng Mẹ tôi. Tiếng lòng tôi. Xin thưa, bạn hay tôi hay tất thảy chúng ta đều tự hào và trìu mến mà nói như vậy!

Ôi chao! May mắn thay, ta vịn câu hát à ơi của mẹ mà tập lẫy, tập bò, tập ăn, tập nói. Ta gói ghém câu à ơi của mẹ làm hành trang cho cuộc đời dài rộng, cho chân cứng đá mềm. Ta nhặt nhạnh từng tiếng à ơi để biết nâng niu và trân quý cho hành trình yêu thương và chia sẻ. Nếu ai đã từng đọc những bài thơ mà thi hào Ê-xê-nhin viết về tiếng mẹ đẻ của ông, tiếng Nga; viết về mẹ ông, bà mẹ Nga; viết về cánh đồng, những khu rừng và những ngôi làng Nga quê hương ông thì mới thấy nhà thơ yêu quý biết nhường nào những gì thuộc về nước Nga bằng một tâm hồn Nga mẫn cảm, trí tuệ và tài hoa. Chúng ta sẽ có nhiều thứ trong đời nhưng chỉ mẹ là duy nhất. Và có thể chúng ta sẽ biết nhiều ngôn ngữ nhưng chỉ tiếng mẹ đẻ là duy nhất. Và tôi tin đã rất nhiều người trong chúng ta từng chạm vào nỗi niềm yêu thương và hạnh phúc của một tâm hồn Việt qua những câu hát ngợi ca tiếng mẹ ru: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi! Tiếng ru muôn đời…”. Bài “Tình ca” ấy là khúc tự tình nước non, dân tộc. Với một tâm hồn mẫn tiệp và tài hoa, người nhạc sĩ đã bắt đầu khúc tự tình của mình bằng khúc ru hời của mẹ, bằng lời ngợi ca tiếng mẹ yêu thương. Tiếng mẹ đẻ bình dị như chén cơm bát nước mỗi ngày ấy nhưng phải được bảo tồn bằng lòng yêu nước quả cảm và chân thành, tinh thần ấy đã giữ gìn và nuôi dưỡng Tiếng Việt tồn tại theo suốt chiều dài mấy ngàn năm lịch sử dân tộc.

3. Dẫu có ai kể với tôi rằng trên khắp thế gian này đâu đâu cũng vang lên những bài hát ru của những bà mẹ thì tôi vẫn xác tín một điều rằng, chỉ có câu hát của mẹ tôi là hay hơn cả. Trong hành trang đời mình từ tuổi thanh xuân cho đến lúc không còn trẻ nữa, tôi đã âm thầm mang theo những khúc ru hời của mẹ ngày xưa. Và tôi vẫn tin rằng cho dù cuối cuộc đời tôi vẫn chưa đi hết lời ru của mẹ.