Hiệu quả từ mô hình “Chuyển tuyến dựa vào cộng đồng” tại huyện Ninh Sơn

(NTO) Được ông Trần Thọ, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội Hội Nông dân tỉnh mời làm “Cố vấn đặc biệt” trong chuyến giám sát mô hình “ Chuyển tuyến dựa vào cộng đồng” (CTDVCĐ), tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự chuyển biến hiệu quả rõ rệt và nhanh chóng tại hai xã Ma Nới và Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn.

Qua số liệu 9 tháng năm 2014 đã chứng minh hiệu quả của mô hình này. Ở xã Ma Nới, Trong tổ số 95 ca đẻ, đã có 31 trường hợp đẻ tại trạm y tế, trong đó do chuyển tuyến  tại 3 thôn thực hiện 26 ca, chiếm tỷ lệ gần 84%. Chuyển tuyến so với tổng số ca đẻ ở thôn Tà Nôi là 7/15, thôn Gia Hoa: 10/16, thôn Hà Dài 9/17. Tại 4 thôn của xã Lâm Sơn đã có 16 ca chuyển tuyến tới đẻ tại trạm y tế, riêng hai thôn Tầm Ngân xa nhất xã cũng đã có 7 ca, thôn Gòn 2 có 6 ca. Nhóm chuyển tuyến thôn Tầm Ngân 2 đã chuyển lên trạm y tế kịp thời và an toàn một trường hợp vỡ ối, có dấu hiệu nguy hiểm. Đến nay, ở 7 thôn có dự án, tình trạng đẻ tại nhà do tự đẻ hoặc do người nhà và mụ vườn đỡ giảm rõ rệt, đặc biệt ở thôn Tà Nôi và thôn Gia Hoa không còn đẻ do mụ vườn đỡ. Trong 9 tháng đầu năm 2014 không xảy ra trường hợp tai biến sản khoa nào.

Chị em phụ nữ Raglai kiểm tra thai sản định kỳ tại cơ sở y tế. Ảnh: Sơn Ngọc

Phát huy hiệu quả mô hình đã được triển khai ở huyện Bác Ái do dự án UNFPA tài trợ từ chu kỳ 2006-2011, mô hình này được thực hiện từ đầu năm 2014 tại huyện Ninh Sơn. Quý I bắt đầu triển khai tổ chức, tuyên truyền, vận động; thực chất chuyển tuyến mới bắt đầu được 6 tháng. Tại Ma Nới triển khai ở 3 thôn (Tà Nôi, Gia Hoa, Hà Dài), Tại Lâm Sơn triển khai ở 4 thôn (Tầm Ngân 1,2, Gòn 1 và 2). Được biết 7 thôn này hầu hết là đồng bào dân tộc thiếu số, đi lại khó khăn, xa trạm y tế từ 5 đến 10 cây số, có nơi phải đi qua bốn con  sông, suối (Tà Nôi). Nhiều năm qua, ngành Y tế đã nỗ lực cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự hỗ trợ của nhiều dự án quốc tế, nhưng ở đây phụ nữ đến đẻ tại trạm y tế thấp, trước khi có dự án “Sức khỏe sinh sản (SKSS) có năm chỉ có vài ba ca, còn lại đẻ tại nhà là chủ yếu, nếu có tới cơ sở y tế là bệnh viện khu vực Ninh Sơn hoặc bệnh viện tỉnh. Tình trạng tai biến sản khoa cao, có cả chết mẹ hoặc chết con đã xảy ra.

Tìm hiểu về công tác tổ chức và nguyên nhân thành công của mô hình CTDVC, chúng tôi được biết mỗi nhóm chuyến tuyến có 4-5 người do trưởng thôn làm nhóm trưởng, các thành viên gồm đại diện Hội Nông dân, Cộng tác viên Dân số, Cô đỡ thôn bản, Hội Phụ nữ. Khác với mô hình thực hiện ở Bác Ái, Ninh Sơn đầu mối là Hội Nông dân. Ông Chu Rô Phấn, Chủ tịch Hội Nông Dân Ma Nới chia sẻ: Hiệu quả mô hình đem lại rất rõ rệt, trưởng thôn là đầu mối truyền thông, liên kết giữa người dân với thành viên của nhóm và cán bộ y tế; các thành viên nhóm và cán bộ đoàn thể và Y tế phải nhiệt tình với ý thức vì tình người, tình làng nghĩa xóm và trách nhiệm. Công tác tuyên truyền là rất quan trọng, nhóm phân công các thành viên quản lý từng nhóm dân cư, nhiệm vụ quản lý phụ nữ có thai, thông báo cần chuyển tuyến; tham gia tuyên truyền, vận động từng người mẹ, từng hộ gia đình theo phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”; kết hợp với truyền thông tại nhóm sinh hoạt “vay vốn tiết kiệm-khuyến nông” của Hội Nông dân và nhóm truyền thông “phụ nữ có thai” của Dân số. Công tác truyền thông còn được trưởng thôn thực hiện thường xuyên trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Phụ nữ đã đến đẻ tại trạm y tế cũng là người trực tiếp tuyên truyền cho các phụ nữ có thai khác, tạo nên hiệu ứng dây chuyền, tạo niềm tin cho người dân.

Anh Cà Mau Khánh, nhóm trưởng nhóm CTDVCĐ thôn Tà Nôi cho biết người dân rất tin tưởng và quý mến các Cô đỡ thôn bản, mỗi khi có dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai hoặc chuyển dạ người dân đều gọi tới Cô đỡ thôn bản. Thực tế Cô đỡ thôn bản là người trực tiếp quản lý thai nghén tại nhà, trực tiếp tư vấn sức khỏe sinh sản, đỡ đẻ tại nhà cho các ca đẻ rơi hoặc không kịp chuyển tới cơ sở y tế; tất cả các ca chuyển tuyến đều có họ đi theo và có mặt tại trạm y tế xã .

Mặc dù mô hình đã đem lại kết quả tốt, nhưng tại Lâm Sơn, tỷ lệ đẻ tại nhà do mụ vườn đỡ đẻ còn khá cao. Người dân vẫn biết nguy hiểm của tai biến sản khoa “đàn bà có chửa, cửa mả”. Với nhiều tiến bộ của dịch vụ y tế, nhưng thế giới hiện còn 15% tai biến sản khoa trên tổng số phụ nữ sinh đẻ. Tại tỉnh nhà, tình trạng phụ nữ đẻ ở nhà vẫn còn, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Ngoài nguyên nhân về độ tin cậy của người dân với chất lượng cung cấp dịch vụ tại trạm y tế, về địa lý dân cư người dân chuyển thẳng tới bệnh viện và còn do điều kiện gia đình. Ông Ngọc Anh, Phó trưởng Ban quản lý thôn Gòn 2 (xã Lâm Sơn) cho biết: “Phụ nữ đẻ tại nhà đều là người dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình nghèo, con đông, đẻ dày. Nếu vợ đi đẻ tại cơ sở y tế thì chồng phải đi chăm nuôi hoặc mang cơm hàng ngày, con còn đi học hoặc còn bé, công việc nương rẫy, công việc nhà ai làm, ai trông coi, đành phải đẻ tại nhà thôi. Đề nghị Nhà nước có chính sách thích hợp”. Cán bộ xã Ma Nới cũng kiến nghị trạm y tế xã cần tích cực tham gia tư vấn về SKSS trong các buổi sinh nhóm thực hiện vào ban ngày.

Với hiệu quả của mô hình CTDVCĐ tại hai huyện Bác Ái và Ninh Sơn, cần được nhân rộng cho tất cả các thôn miền núi đặc biệt khó khăn trong tỉnh; ngành Y tế cần tìm giải pháp thích hợp thực hiện các kiến nghị của người dân, trong đó có việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ người dân tộc thiểu số tại trạm y tế xã .