Từ ngày 9-10, tỉnh ta kiểm tra đợt 1 tiêm chủng mở rộng vắc-xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi

(NTO) Được sự tài trợ của Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), nước ta đang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella trong tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2014-2015. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về chiến dịch tiêm chủng này ở tỉnh ta, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với bác sỹ Phan Thị Lai, Phó Giám đốc Sở Y tế.

 Bác sỹ Phan Thị Lai,
Phó Giám đốc Sở Y tế

Phóng viên: Thưa bác sỹ, xin bác sỹ cho biết tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin phòng sởi-rubella đối với sức khỏe của trẻ?

Bác sỹ Phan Thị Lai: Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi và vi rút rubella gây ra. Thời gian qua, số lượng bệnh nhân sởi gia tăng và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương trong cả nước, một trong những nguyên nhân quan trọng là do trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ. Ở nước ta, từ cuối năm 2013 đến tháng 5 năm 2014 đã ghi nhận trên 5.000 trường hợp mắc sởi. Riêng tại tỉnh ta, từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận 47 trường hợp mắc sởi. Đối với bệnh rubella ở trẻ em thường nhẹ, ít biến chứng. Tuy nhiên, nếu người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu đời của thai kỳ có thể gây ra sẩy thai, thai chết lưu; hội chứng rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, xuất huyết và nhiều trường hợp mắc đa dị tật. Việc tiêm vắc- xin sởi-rubella là biện pháp an toàn và có hiệu quả cao giúp trẻ phòng ngừa các bệnh này, đặc biệt giúp các bé gái có miễn dịch tốt cho đến khi trưởng thành chuẩn bị cho việc sinh sản sau này.

Phóng viên: Vậy kế hoạch chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi-rubella ở tỉnh ta như thế nào?

Bác sỹ Phan Thị Lai: Theo kế hoạch, thời gian thực hiện chiến dịch tiêm chủng ở tỉnh ta bắt đầu từ ngày 9-10-2014 đến 21-01-2015, dự kiến sẽ có trên 154.000 trẻ từ 1 đến 14 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin phòng sởi-rubella miễn phí. Ngày 9-10, UBND tỉnh sẽ tổ chức Lễ phát động chiến dịch và bắt đầu triển khai tiêm chủng tại Trường Mầm non 16 Tháng 4 (Phan Rang- Tháp Chàm). Công tác tiêm chủng sẽ được tổ chức tại các trạm y tế, xã, phường, cơ sở trường học; riêng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa sẽ tổ chức các đội tiêm chủng lưu động ngoài trạm y tế và được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu theo từng đợt nhằm giảm tối đa đối tượng bị sót. Toàn tỉnh có 400 điểm tiêm, trong đó có 65 điểm tiêm thuộc trạm y tế xã. Riêng huyện Thuận Bắc và Bác Ái sẽ triển khai tiêm chủng đồng thời cho các cháu từ 1-14 tuổi. Sau các đợt tiêm chủng, các địa phương sẽ tổ chức tiêm vét để đảm bảo tất cả trẻ trong độ tuổi đều được tiêm chủng.

Đến nay, ngành cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân lực, vật lực sẳn sàng cho chiến dịch. Ngoài việc chỉ đạo các trung tâm y tế, phòng y tế phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương, các cơ sở trường học rà soát, điều tra kỹ đối tượng tiêm chủng, Sở Y tế còn tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến nhằm cung cấp thông tin về chiến dịch cũng như bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn.

Để chiến dịch tiêm chủng bảo đảm an toàn, hiệu quả, Sở đã chỉ đạo các các trạm y tế căn cứ tình hình thực tế, đối tượng tiêm chủng bố trí điểm điểm tiêm, bàn tiêm chủng phù hợp, thực hiện đúng quy tắc tiêm chủng theo quy trình 1 chiều. Trung tâm Y tế mỗi huyện, thành phố đều thành lập một Tổ cán bộ y tế túc trực tại đơn vị sẵn sàng giải quyết nếu có trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm chủng. Ngoài ra, sở còn thành lập thêm 2 Tổ cán bộ y tế lưu động tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ninh Sơn sẵn sàng tiếp ứng cho các Đội của các Trung tâm y tế huyện, thành phố nhằm cấp cứu kịp thời nếu có trường hợp biến chứng nặng.

Phóng viên: Bác sỹ có lời khuyên gì cho các bà mẹ để việc tiêm chủng cho con em mình đạt chất lượng cao?

Bác sỹ Phan Thị Lai: Tiêm chủng vắc-xin sởi-rubella cho trẻ hết sức quan trọng, cần thiết, chính vì vậy các bà mẹ khi được địa phương, nhà trường thông báo cần đưa con em mình đi tiêm chủng đúng thời gian để phòng ngừa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Đối với trẻ dưới 6 tuổi cần có cha, mẹ, người giám hộ đi cùng. Theo Bộ y tế, vắc-xin sởi-rubella có tính an toàn cao, phản ứng phụ thấp nên các bậc phụ huynh không nên lo lắng. Trong quá trình tiêm chủng, các mẹ cần thực hiện đúng sự hướng dẫn của cán bộ y tế, nhất là cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe, tình hình tiêm chủng của trẻ để phát hiện những bất thường và quyết định cho trẻ tiêm chủng hay không. Các mẹ cũng lưu ý, sau khi trẻ được tiêm chủng cần tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ. Nếu có các biểu hiện như số cao, co giật, trẻ khóc thét, bỏ bú, khó thở, tím tái… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Ngoài ra, trước khi đưa còn em đi tiêm chủng, các bà mẹ nên cho con ăn uống đầy đủ để trẻ có sức khỏe tốt, bảo đảm chất lượng tiêm chủng.

Phóng viên: Xin cám ơn bác sỹ!