Việt Nam cam kết đóng góp tích cực đảm bảo an ninh y tế toàn cầu

Trong bối cảnh các dịch bệnh mới nổi liên tục xảy ra trên thế giới và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, cuộc sống người dân của các quốc gia trên phạm vi toàn cầu như dịch SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1), dịch MERS-CoV, dịch Ebola... cần phải có sự phối hợp của các quốc gia, châu lục chứ không phải riêng một quốc gia có thể giải quyết được.

Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh có khả năng lây lan trên quy mô châu lục và thế giới, Chính phủ Hoa Kỳ có sáng kiến xây dựng Chương trình hợp tác An ninh Y tế toàn cầu nhằm tiến tới một thế giới đảm bảo an toàn và an ninh với các đe dọa của các dịch bệnh. Chương trình đã được khởi động vào tháng 2/2014 và các cuộc họp tiếp theo tại Phần Lan, Indonesia nhằm xây dựng các nội dung hoạt động.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường tham dự buổi làm việc tại Nhà Trắng

Ngày 26/9/2014, Chính phủ Hoa Kỳ đã tổ chức Hội nghị An ninh Y tế toàn cầu tại Nhà Trắng để cùng thống nhất với các quốc gia và các tổ chức quốc tế cam kết các hoạt động trong việc triển khai các hoạt động của Chương trình nghị sự an ninh y tế toàn cầu như là những hoạt động ưu tiên của các quốc gia góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh sức khỏe trên phạm vi toàn cầu. Hội nghị với sự tham gia của Trợ lý Tổng thống Hoa Kỳ về an ninh quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cùng các đại biểu của 44 nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế...

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã nêu bật các cam kết của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc đảm bảo an ninh và an toàn cho thế giới đối với sự đe dọa của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi; đặc biệt, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan đã có bài phát biểu khẳng định sự nguy hiểm, tính cấp bách và những thách thức của các vấn đề dịch bệnh mang tính toàn cầu, trong đó những bài học trong việc ứng phó với dịch Ebola đang bùng phát tại một số nước khu vực Tây Phi là một bằng chứng điển hình hiện đang phải đối mặt; đồng thời thúc giục các nước cần có những hành động nhanh hơn nữa để ứng phó với những vấn đề này nhằm đảm bảo 3 mục tiêu: Dự phòng tốt, Phát hiện sớm và Phản ứng nhanh. Hội nghị cũng đã thống nhất việc tổ chức Hội nghị An ninh Y tế toàn cầu là hoạt động thường niên và năm 2015 sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, hơn lúc nào hết cả thế giới cần chung tay hợp tác đề phòng hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm. Hợp tác quốc tế là điều tất yếu các quốc gia cần đặt lên ưu tiên hàng đầu nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, liên kết các quốc gia, các tổ chức quốc tế, huy động nguồn lực về tài chính và hợp tác kỹ thuật đề phòng chống các dịch bệnh mới nổi và tái bùng phát. Đồng thời các quốc gia cũng nhấn mạnh đến sự hợp tác đa ngành trong từng quốc gia nhằm phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Việt Nam nằm trong khu vực được coi là một trong những vùng nóng của các bệnh truyền nhiễm mới nổi và được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Với những nỗ lực của nước ta trong những năm qua là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS năm 2003, khống chế sớm đại dịch cúm A(H1N1) năm 2010, và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả cùng với các dịch cúm gia cầm trên người; cùng với vị trí quan trọng trong bản đồ dịch tễ của dịch bệnh toàn cầu, Việt Nam được chọn là một trong hai quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm Dự án An ninh Y tế toàn cầu của Chính phủ Hoa Kỳ ngay sau chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hoa Kỳ năm 2013 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những đóng góp trong việc góp phần bảo đảm an ninh sức khỏe trên phạm vi toàn thế giới.

Tham dự Hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thể hiện cam kết của Việt Nam qua bài phát biểu được trình chiếu trực tiếp tại Hội nghị với cam kết đóng vai trò tích cực như những nước hàng đầu trong việc phòng chống các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người cũng như đóng góp tích cực trong việc áp dụng và phát triển mô hình Trung tâm đáp ứng tình huống khẩn cấp (EOC) trong phòng chống dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng để cùng với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế giải quyết nhanh, hiệu quả các vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu, bảo vệ sức khỏe người dân.

Với những cam kết của mình, Việt Nam sẽ thúc đẩy việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh theo mô hình Một sức khỏe, hợp tác đa ngành trong đó có sự tham gia của lĩnh vực y tế, nông nghiệp, thông tin, truyền thông, giáo dục, du lịch, quốc phòng, an ninh, môi trường và các ngành liên quan khác cùng với các tổ chức quốc tế, từ đó chia sẻ những bài học kinh nghiệm cũng như những thách thức trong công tác phòng chống dịch với bạn bè quốc tế.

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục áp dụng và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh EOC ở nước ta nhằm giải quyết nhanh hơn nữa các vấn đề y tế công cộng trong nước cũng như kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh với các đồng nghiệp quốc tế.

Trong thời gian làm việc tại Hoa Kỳ, Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã tiến hành các buổi làm việc với Bà Sylvia Mathews Burwell, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi con người Hoa Kỳ, ông David Shear, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam hiện đang là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Deborah Brix, Điều phối viên Chương trình phòng chống AIDS toàn cầu (OGAC) và các buổi thảo luận trực tiếp với các đại biểu từ các quốc gia và tổ chức quốc tế khác. Qua các buổi làm việc, Chính phủ Hoa Kỳ cũng như các tổ chức quốc tế khẳng định cam kết ủng hộ Việt Nam tham gia một cách tích cực hơn nữa trong các hoạt động của Chương trình An ninh Y tế toàn cầu và sẽ tiếp tục hỗ trợ nước ta cả về kỹ thuật và tài chính để củng cố năng lực phòng chống dịch bệnh của nước ta trong giai đoạn 5 năm 2014-2019; ngay trong tháng 10 này, Chính phủ Hoa Kỳ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trên 400.000 USD cho Dự án An ninh Y tế toàn cầu và con số này có thể tăng hơn nữa trong những tháng tiếp theo và năm tới.

Nguồn www.chinhphu.vn