Nguyên nhân gây bệnh:
"Giời leo" là một bệnh viêm da, nổi mụn nước cấp tính, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên người, những vùng thường phát sinh giời leo là góc trong mắt, thái dương, quanh môi, sau vai lưng, lan nhanh quanh vùng nách ra phía trước ngực, hoặc từ ngực lan ra phía sau lưng, vùng mông chậu,… Tuỳ theo nơi phát sinh, khi giời lây lan sẽ rải rác ở các vùng khác của cơ thể. Vùng bị giời leo gây biến chứng nguy hiểm nhất là ở đầu, mắt, có thể ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, thị giác… Ở ngực làm mệt tim phổi, không ngủ được…
Theo Tây y, "Giời leo" do nhiễm virus varicella-zoster gây nên, bệnh hay phát về mùa mưa, thời tiết lạnh, độ ẩm cao, cơ thể mệt mỏi, stress kéo dài…sức đề kháng yếu.
Theo Đông y, “Giời leo” chủ yếu do thấp nhiệt, hỏa độc xâm phạm vào cơ thể, hun đốt da thịt mà thành bệnh.
Triệu chứng bệnh:
Tại vùng da nhiễm bệnh có cảm giác ngứa, đau rát, nhức nhối, sưng đỏ, sau đó nhanh chóng mọc nhiều nốt kế tiếp dạng phỏng nước, lúc đầu bóng nước trong hoặc có màu đục nhạt, sau chuyển sang màu hồng nhạt. Vùng bệnh này nhanh chóng lan ra nhiều phía, các nốt giời bên trong mọng nước sưng to dần, đồng thời kèm theo ngứa ngáy, đau nhức khó chịu ở vùng da bị bệnh và lan truyền xung quanh. Khi nốt giời leo bị vỡ thì tình trạng phát tán bệnh càng nhanh hơn.
Sau khi chữa lành vết thương trên da, có những trường hợp “Giời leo” để lại di chứng tổn thương thần kinh làm đau nhức day dưa rất lâu, nhiều tháng, có khi hơn cả năm.
Cách trị:
Theo Đông y, trị “Giời leo” vừa dùng thuốc bôi ngoài, uống trong theo phương thuốc thanh nhiệt, tả hỏa, trừ thấp, tiêu viêm, tiêu độc, thanh bổ chính khí,… Trong dân gian có những phương pháp và bài thuốc chữa bệnh giời leo rất phong phú như vẽ chữ, phun lá, đắp thuốc… có những bài thuốc đơn giản nhưng hiệu quả rất tốt đã được chứng nghiệm qua thực tế, sau 3 đến 7 ngày là nhẹ bệnh.
Một số bài thuốc Đông y trị bệnh “Giời leo”:
+ Chữa giời leo thể nhẹ:
• Giã nhuyễn gạo hòa với nước chín đắp liên tục, ngày 5-7 lần.
• Đậu xanh hoặc khổ qua trộn nếp, giã nhuyễn đắp, ngày 1 lần.
• Ngọn rau muống, lá vòi voi giã đắp, ngày 1 lần.
• Dây quai bị giã đắp, ngày 1 lần.
• Lá kim vàng giã đắp, ngày 2 lần.
• Lá cây nổ (phèn đen) giã đắp, ngày 2 lần.
+ Mức độ nặng hơn, vùng bệnh rộng, đau nhức nhiều:
• Trùn hổ, rau húng dũi, rau răm đốt thành than hoà dầu dừa bôi, ngày 2- 3 lần.
• Thổ phục linh (củ Cun) mài giấm bôi, ngày 2-3 lần.
• Lá xương cá thêm ít vôi tôi, vò hứng bọt trên tô nước sạch, bôi bọt lên vết giời leo, ngày 1,2 lần.
• Lấy mủ cây sung (có thể hòa giấm nuôi) bôi, ngày 3 lần.
• Lá trúc đào đốt thành than hoà dầu dừa bôi, ngày 2-3 lần.
• Bài thuốc uống trong: Kim ngân hoa 20, Hạ khô thảo 12, Tạo giác thích 10, Sinh địa 20, Đương quy 10, Thổ phục linh 20, Thương nhĩ tử 12, Bạch chỉ 10, Hoàng cầm 10, Đảng sâm 12: Sắc uống từ 6-10 thang, mỗi ngày 1 thang.
Chú ý: Khi bôi thuốc không tẩy rửa mà bôi liên tiếp lên vùng đau.
Kiêng cử: Không dùng bia, rượu, thức ăn gia vị cay nóng, tanh, hải sản, các loại mắm sống, .... Nên ăn uống các thức mát như canh rau, nước dừa, rau má, bí đao, ... uống nhiều nước chanh trong ngày.
Lê Ngọc Vân