(NTO) Có thể nói, những năm gần đây thông qua các chương trình khuyến nông, đưa khoa học- kỹ thuật vào đồng ruộng… của cơ quan chức năng nhất là Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư, Chi cục Bảo vệ thực vật, Hội Nông dân… đã có nhiều mô hình sản xuất mới, tiên tiến được triển khai tại một số địa phương trong tỉnh và nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều nông hộ, như mô hình tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt) cho cây nho đã giúp nông dân tiết kiệm nhiều chi phí như chạy nước, bón phân cả phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Cây lúa cũng có nhiều mô hình hiệu quả như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” theo hướng sản xuất lúa sạch để cung ứng cho những doanh nghiệp chế biến có nhu cầu, kể cả chế biến xuất khẩu. Cũng thông qua các mô hình này đã tăng cường mối liên kết “4 nhà” mà ngành nông nghiệp đã triển khai trong nhiều năm qua… Hiệu quả thấy rõ đó là năng suất cây trồng tăng, giá bán cao với đầu ra khá ổn định, ngược lại chi phí sản xuất thấp nhờ giảm giống, giảm phân bón, thuốc trừ sâu kéo theo là giảm công chăm sóc… so với ruộng đối chứng của những nông hộ không áp dụng mô hình trên cùng cánh đồng. Biết vậy, nhưng tại sao không nhân rộng được trên toàn tỉnh?
Nông dân xã Nhị Hà (Thuận Nam) áp dụng mô hình tưới phun trên cây nho. Ảnh: Sơn Ngọc
Qua tìm hiểu của chúng tôi, có thể thấy đầu tiên là diện tích đất bình quân không nhiều đối với từng hộ, chỉ ở mức vài ba sào nếu chia cho 5 đến 6 người trong gia đình thì làm khá lắm cũng đủ chi phí, dư được gạo ăn giáp hạt… nên nông hộ chưa chú trọng mà tập trung vào nghề khác để có thu nhập khá hơn.
Kế đến là thiếu “đầu tàu” khi áp dụng kỹ thuật mới. Cụ thể là, sau khi hợp tác xã cũ tan rã, nông dân làm “chủ thể” sản xuất nên “mạnh ai nấy làm”. Điều dễ thấy ở nhiều đồng ruộng là “da beo” do quá nhiều giống lúa nông dân tự đưa vào sản xuất dẫn đến lai tạp, chất lượng thấp…, cả việc phòng trừ dịch hại trên cây trồng cũng vậy. Cho nên, từ chỗ không tổ chức được sản xuất thành vùng tập trung, thuần giống, đồng bộ các khâu theo quy trình … đã dẫn đến tình trạng là kém hiệu quả. Đây cũng là nguyên nhân làm nản lòng những nông hộ “tiên tiến”, biết tiếp cận với mô hình, kỹ thuật sản xuất mới trên đồng ruộng. Một số nông dân chúng tôi có dịp tiếp xúc đều chung ý nghĩ là rất muốn áp dụng mô hình mới nhưng ngặt nổi là ruộng, đất có hạn, lại không nhận được sự hợp tác để cùng làm với những chủ ruộng chung quanh… Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là… khó thay đổi được tập quán sản xuất theo kiểu “có gì làm nấy” nhất là khâu giống, chăm sóc. Theo thông tin mới đây từ Cục trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì chi phí sản xuất nông nghiệp của nước ta còn quá cao. Đơn cử như, chi phí sử dụng phân bón cao hơn 1,5 lần so với Trung Quốc, 2,8 lần so với Thái Lan; chi phí thuốc bảo vệ thực vật lên đến trên 500 USD/ha trong khi tại Ấn Độ chỉ có 118 USD và Thái Lan là 410 USD. Đáng nói là trên 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật do phun không đúng cách nên đã thải ra môi trường, ảnh hưởng đến đất, nước và mức độ an toàn của sản phẩm…
Tỉnh ta, bình quân diện tích đất trên nông hộ không cao, sản lượng của nhiều loại cây trồng chưa đủ lớn để tạo thành hàng hóa có thể cạnh tranh… Do vậy, giải pháp để tăng thu nhập cho nông dân từ điều kiện đất đai, thổ nhưỡng hiện có không gì khác là ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất để vừa giảm chi phí vừa tăng năng suất và chất lượng sản phẩm gắn với thực hiện chặt chẽ liên kết “4 nhà”. Để làm được điều đó, cần thiết phải đẩy nhanh việc thực hiện “dồn điền đổi thửa”, tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác với người “cầm chịch” phải tâm huyết với nghề nông, trách nhiệm với cộng đồng…
Nói thì dễ nhưng để làm được thì rất cần có quyết tâm từ cơ quan quản lý đến nông dân.
Tuấn Dũng