Trước tình hình đó, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Phước Chiến đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời thành lập Tổ vận động giảm nghèo ở 5/5 thôn, xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể, tập trung các nguồn lực phấn đấu mỗi năm có 25 hộ thoát nghèo và hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo xảy ra.
Chị Pi-năng Thị Liên áp dụng mô hình trồng chuối xen canh cây dứa cho hiệu quả
kinh tế cao.
Để đạt được chỉ tiêu này, Phước Chiến đã triển khai lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình, dự án khác, như: hỗ trợ về an sinh xã hội, nước sạch, “xóa” nhà tạm, giới thiệu việc làm, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn; vận động bà con thay đổi tập quán canh tác quảng canh bằng việc xen canh các loại cây trồng ngắn ngày, thay thế dần giống lúa rẫy bằng lúa nước, bắp địa phương bằng bắp giống cao sản…
Bằng việc lồng ghép xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nông dân, trên địa bàn xã đã hình thành các mô hình kinh tế bước đầu cho hiệu quả như trồng cây ăn quả (mít, dứa, chuối) trên đất triền dốc; mô hình trồng lúa chịu hạn; mô hình xen canh bắp và các cây họ đậu; thâm canh cây mía, mì; mô hình nuôi heo đen, nuôi bò, dê, cừu dưới tán cây rừng… Tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng hằng năm của xã khoảng 950 ha, sản lượng lương thực bình quân ở mức 3.600 tấn/năm, giải quyết đáng kể nhu cầu lương thực tại chỗ. Riêng với cây mía và mì, địa phương đang dần định hướng cho nông dân mở rộng diện tích ở những vùng chủ động nguồn nước tưới như thôn Ma Trai và thôn Tập Lá. Hiện diện tích 2 cây trồng này trong toàn xã gần 170ha, trong đó diện tích trồng mới trong năm nay là 84,5ha.
Điều đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo ở xã Phước Chiến là tinh thần tự giác thoát nghèo, sự nỗ lực của bà con nhân dân trong phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như gia đình chị Pi-năng Thị Liên, ở thôn Tập Lá đã ứng dụng hiệu quả mô hình trồng xen canh nhiều loại cây trồng. Chị Liên cho hay: Trên diện tích gần 1,5ha đất bao gồm đất bằng, đất đồi núi, gia đình đã kết hợp trồng chuối, xen với dứa; trồng mía giống mới; trồng bắp xen với đậu xanh. Ngoài ra còn trồng một số cây ăn quả khác như mít, đu đủ, mãng cầu… Nhờ được tập huấn kỹ thuật canh tác nên sản xuất cũng hiệu quả, mỗi năm thu nhập được gần 50 triệu đồng. So với trồng rẫy núi trước đây thì đời sống ổn định hơn rất nhiều. Cũng nhờ đó, mà gia đình đã thoát được cảnh đói nghèo.
Ngoài ra, việc phát triển chăn nuôi theo hướng tăng chất lượng đàn gia súc, gia cầm cũng đang được địa phương quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã hiện có 14.134 con; trong đó, gia súc có sừng là 4.334 con, nhiều nhất là dê với 2.146 con, kế đến là đàn bò với 2.035 con. Ước tính mỗi hộ có từ 3-4 con bò, dê để nuôi vỗ béo tích lũy vốn, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, chính quyền xã đã giúp 518 hộ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vay 7,6 tỷ đồng. Qua rà soát cho thấy, hầu hết các hộ vay đã sử dụng vốn đúng mục đích, như: sửa chữa nhà ở, mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, máy móc để đầu tư sản xuất, mở rộng kinh doanh… Nhờ vậy, công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã Phước Chiến đã có những chuyển biến tích cực. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo đầu năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 33%, giảm gần 20% trong vòng 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất còn nhiều bấp bênh, vấn đề giảm nghèo nhanh nhưng phải đáp ứng yêu cầu bền vững đã đặt ra những khó khăn nhất định đối với cấp ủy Đảng, chính quyền xã Phước Chiến. Đồng chí Chamaléa Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để đạt được chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra hằng năm là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7-8%, thì ngoài việc tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ vốn trực tiếp cho người nghèo thông qua vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, xã cũng đề ra ra chủ trương là tổ chức thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án do tỉnh, huyện đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông, y tế, giáo dục; đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể như Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên tích cực tham gia công tác giảm nghèo như huy động xã hội hóa hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trao học bổng cho học sinh nghèo, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, hỗ trợ vật tư, phân bón, con giống… Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức, cách làm ăn của bà con, góp phần vì mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
Diễm My