Ra đồng cứu mía
Còn hơn một tháng nữa là bước vào thu hoạch niên vụ mía 2014-2015. Tầm này năm trước, bà con trồng mía đã ngưng đầu tư chăm sóc, nhưng năm nay không ít hộ còn phải lăn lộn ngoài đồng bơm nước “tiếp sức” cho cây mía chống chọi với cái nắng gay gắt. Anh Đoàn Quang Nông, ở thôn Triệu Phong, xã Quảng Sơn, lo lắng: Tôi làm 7 ha mía, trong đó 4 ha mía tơ bị chết do khô hạn phải trồng lại. Chi phí đầu tư mua giống, cày đất.. đã “đội” thêm 5 triệu đồng/ha. Không riêng gì ở thôn Triệu Phong, các hộ trồng mía ở thôn Thạch Hà, Hạnh Trí… cũng đang phải “gồng mình” chống chọi với hạn hán. Anh Lê Văn Hà, ở thôn Thạch Hà, có 1,7 ha mía bị hư hại, cho biết: Gia đình thả giống vào tháng 11 năm ngoái, những niên vụ trước độ này mía đã cao sấp lớp, nhưng năm nay đến giờ còn phải chạy nước thêm 2 tháng nữa mới thu hoạch được.
Cán bộ kỹ thuật Công ty CP Mía đường Phan Rang giúp nông dân xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) đánh lá mía
phòng trừ sâu bệnh.
Đồng chí Vòng A Lương, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, cho biết: Niên vụ mía này toàn xã sản xuất 1.900 ha, trong đó chỉ có 600 ha chủ động nước ở khu vực dọc tuyến kênh Nam thuộc các thôn Thạch Hà, Triệu Phong phát triển bình thường. Phần lớn diện tích còn lại tập trung ở khu vực Suối Mây, Vườn Trầu thiếu nước trầm trọng nên năng suất sẽ giảm, ước bình quân đạt khoảng 50 tấn/ha, thấp hơn niên vụ trước 15 tấn/ha. Không riêng gì xã Quảng Sơn, các hộ trồng mía ở xã Hòa Sơn, Mỹ Sơn… cũng chịu nhiều thiệt hại.
Nắng hạn không những làm cho mía chậm phát triển, bị chết hàng loạt mà còn phát sinh các loại dịch bệnh. Theo báo cáo khảo sát thực tế tại các vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Phan Rang, đến nay số diện tích mía bị nhiễm bệnh trắng lá hơn 72 ha, tập trung ở xã Quảng Sơn. Do bệnh trắng lá hiện không có thuốc đặc trị, khi mía bị nhiễm bệnh chỉ còn cách phá hết làm lại từ đầu, nên thiệt hại là không nhỏ. Khó khăn chồng lên khó khăn, đến lúc này, khi mía đã cận kề thời điểm thu hoạch lại xuất hiện thêm sâu đục thân làm giảm chữ đường.
Chia sẻ khó khăn với người trồng mía
Để giúp nông dân trồng mía phòng trừ sâu bệnh, góp phần bảo đảm năng suất và chữ đường, Công ty CP Mía đường Phan Rang đã phát động Chương trình “Đồng hành cùng nông dân ra đồng đánh lá mía”. Chương trình bắt đầu từ ngày 20-9 đến ngày 11-10 với sự tham gia của hàng trăm lượt cán bộ, công nhân. Chỉ riêng đợt ra quân đầu tiên đã có gần 200 công nhân của Công ty lên vùng nguyên liệu mía Quảng Sơn giúp nông dân đánh hàng chục ha lá mía. Anh Trương Đình Dũng, nông dân trồng mía giỏi ở thôn Triệu Phong, xã Quảng Sơn, phấn khởi: Từ trước đến nay, các hộ trồng mía không đánh lá vì chi phí thuê nhân công cao, nên mía phát triển chậm, năng suất thấp. Qua chương trình, bà con nhận thức được lợi ích của việc đánh lá mía sẽ làm tăng lượng phân hữu cơ, khả năng giữ độ ẩm, chống ngã, phòng cháy, tạo thuận lợi trong thu hoạch.
Ông Phạm Tấn Hùng, Giám đốc Công ty CP Mía đường Phan Rang, cho biết: Hỗ trợ nông dân trồng mía để đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động là chính sách nhất quán của công ty. Hoạt động ý nghĩa này đã góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa hộ trồng mía với doanh nghiệp, hai bên cùng gánh vác khó khăn, chia sẻ lợi nhuận với nhau. Riêng niên vụ mía này, bên cạnh cán bộ, công nhân xuống đồng giúp nông dân đánh lá mía, Công ty còn áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ thích đáng. Đối với những hộ có diện tích mía bị chết do nắng hạn, được hỗ trợ cày cải tạo ruộng trồng mới với mức 2 triệu đồng/ha, đồng thời, hỗ trợ toàn bộ giống mới. Riêng vùng mía bị nhiễm bệnh trắng lá, hộ trồng được hỗ trợ chi phí chăm sóc ở mức 1,3 triệu đồng/ha. Ngoài ra, Công ty còn bổ sung mức đầu tư và hỗ trợ lãi suất cho 10 hộ, trồng 860 ha mía để bơm nước chống hạn, đảm bảo cây mía tiếp tục phát triển bình thường…
Hiện tại, Công ty đang chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào vụ thu hoạch. Theo đó, diện tích mía nguyên liệu thu hoạch trong niên vụ này là 3.300 ha, tổng sản lượng ước đạt 200.000 tấn. Dự kiến thời gian mở máy ép mía từ ngày 15 -11-2014 đến 20-4-2015. Ông Phạm Tấn Hùng, cho biết thêm: Công tác thu hoạch, vận chuyển mía niên vụ này gặp một số khó khăn do phải thực hiện giảm trọng tải xe theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Cây mía là sản phẩm không xác định được trọng lượng tịnh tại ruộng mía, cồng kềnh, dẫn đến các chủ xe rất ngại đăng ký hợp đồng vận chuyển mía. Tuy vậy, Công ty luôn xác định phải chủ động tổ chức thu hoạch, đã thuê 100 đầu xe vận chuyển mía kịp thời để không bị khô tại ruộng, giảm thất thoát, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Có thể nói, với quyết tâm thực hiện thắng lợi vụ ép mía mới, cũng như có chính sách chia sẻ khó khăn với người trồng mía của Công ty CP Mía đường Phan Rang đã tạo được niềm tin cho người dân yên tâm đầu tư trồng mía.
Anh Tùng