Nét nổi bật của mô hình là tiết kiệm được nhiều chi phí, qua đó nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất. Cụ thể, trong vụ hè - thu vừa qua, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) sản xuất 30 ha theo mô hình, kết quả lượng giống gieo sạ giảm được 120 kg/ha, phân bón tiết kiệm được 30 kg/ha, tiết kiệm lượng nước tưới khoảng 3.000 m3/ha, giảm thất thoát trong thu hoạch 4% so với cắt tay, giảm 2 lần phun thuốc trừ sâu, trong khi năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha, cao hơn sản xuất truyền thống 1 tấn.
Xã viên Hợp tác xã DV-NN Trường Thọ áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”
trong sản xuất lúa vụ hè - thu.
Nông dân sản xuất giỏi Lê Văn Kiên, ở thôn Trường Thọ, cho biết: Vụ rồi gia đình làm 1 ha lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, cầm chắc trong tay 30 triệu đồng tiền lãi. Cùng diện tích mà canh tác theo tập quán cũ chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng. Do lợi nhuận tăng, nên mô hình nhanh chóng được nhân rộng. Ban đầu mô hình triển khai thí điểm ở xã Phước Hậu trong vụ đông - xuân 2010 - 2011, trên diện tích 10 ha, với 32 hộ tham gia, đến nay quy mô diện tích lên tới hàng ngàn ha, phủ rộng ở tất cả 7 huyện, thành phố trên toàn tỉnh. Chỉ tính riêng huyện Ninh Phước, vụ mùa này sản xuất khoảng 1.800 ha theo mô hình, chiếm gần 40% tổng diện tích đất sản xuất lúa ở địa phương.
Có thể khẳng định, thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm’ có nhiều cái lợi, nhất là khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún. Vì các khâu sản xuất theo mô hình từ làm đất, sạ, thu hoạch… đều bằng máy, nên để tạo thuận lợi đưa cơ giới vào đồng ruộng, nông dân đã “dồn thửa" thành ruộng lớn. Điển hình như ở xã Phước Hậu, thông qua HTX, những xã viên có đất gần kề nhau cùng thực hiện mô hình rất dễ dàng trong chăm sóc, bón phân, theo nước... Anh Nguyễn Thành Anh, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ, cho biết: Với hình thức này, HTX đóng vai trò làm cầu nối giữa nhà nông với doanh nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó hình thành những “cánh đồng liên kết”.
Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc các địa phương đẩy mạnh nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” như hiện nay đã góp phần vào thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đó là tạo ra những cánh đồng chuyên canh đáp ứng yêu cầu thị trường. Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố, cho biết: Mỗi vụ lúa, Công ty hợp đồng với nông dân sản xuất hàng chục tấn giống. Để có nguồn giống tốt, sạch bệnh, tất cả những vùng sản xuất phải có quy mô tập trung hàng chục ha, áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”. Không riêng gì lúa giống, mà sản xuất lúa thịt hàng hóa, các doanh nghiệp cũng yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm khá khắc khe mà chỉ có thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” mới đáp ứng được. Đơn cử như trong vụ hè - thu vừa qua, Công ty Jimmy Hung Anh Food liên kết với xã viên Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hữu Đức (xã Phước Hữu) sản xuất 100 ha lúa sạch, đơn vị yêu cầu phải canh tác theo quy trình “1 phải, 5 giảm” để hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật.
Áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” không những tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, mà còn giảm ô nhiễm môi trường, đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tạo độ tin cậy về chất lượng sản phẩm để các doanh nghiệp cùng liên kết làm ăn. Ưu điểm đã rõ, tuy nhiên hiện nay còn nhiều nông dân đang do dự, chưa mạnh dạn thực hiện mô hình. Điều này được minh chứng, mỗi vụ lúa toàn tỉnh gieo trồng trên dưới 20.000ha, nhưng diện tích mô hình
“1 phải, 5 giảm” chỉ chiếm khoảng 30%. Ngoài huyện Ninh Phước, Ninh Hải cũng áp dụng rộng rãi mô hình trên, các huyện khác như Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái diện tích mô hình còn khiêm tốn. Trao đổi với nhiều nông dân chúng tôi được biết, kỹ thuật canh tác theo mô hình “1 phải, 5 giảm” không khó, nông dân đều nắm vững kỹ thuật canh tác, tuy nhiên, cái khó nhất trong thực hiện mô hình là phải chủ động nước tưới và có nguồn giống tốt. Chỉ riêng yếu tố giống cũng có nhiều điều đáng nói. Đồng chí Nguyễn Lê, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật, cho biết: Những giống lúa OM 4495, OM 4498, IR 64 ML 202, ML 214, TH 41 mà nông dân đang sản xuất hiện nay đã đưa vào sử dụng hơn 10 năm, nên đang dần thoái hóa. Để nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm”, yêu cầu trước mắt là phải thực hiện “tái cơ cấu” về giống.
Vụ hè - thu vừa qua, Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố đã triển khai mô hình trình diễn giống lúa cao sản MT10 tại thôn Trường Thọ (xã Phước Hậu), đây là giống lúa có nhiều đặc điểm nổi trội so với các giống lúa đang được nông dân sản xuất hiện nay. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nắng nóng nhưng giống lúa MT10 vẫn phát triển mạnh về khả năng chống đổ ngã, kháng được sâu bệnh, năng suất, chất lượng cao, bình quân đạt 8,5 tấn/ha, hơn ruộng đối chứng từ 2- 2,5 tấn. Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giống lúa MT10 đang được tiếp tục trồng thử nghiệm ở vụ mùa này và vụ đông - xuân tới để có kết quả đánh giá một cách toàn diện. Nếu thích nghi trên đồng đất Ninh Thuận, ngành Nông nghiệp sẽ bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, thay thế dần các giống cũ, đáp ứng nhu cầu mở rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa của nông dân.
Anh Tùng