Khu đất nhà nước khai hoang cấp cho các hộ ở nằm trong diện di dời xây dựng hồ Tân Mỹ rộng hàng chục ha ở dưới chân núi Hòn Vàng chỉ có dăm sào bắp của chị Hồ Thị Hồng Phương, phần lớn diện tích còn lại lâu ngày không sản xuất để cho cây, cỏ mọc. Anh Mai Văn Liếng, Trưởng BQL thôn Tà Lọt, cho biết: Tháng 3 năm 2013 khi mới nhận đất, thôn đã vận động các hộ tổ chức sản xuất, nhưng do thiếu nước nên cây trồng không phát triển được, từ đó đến nay bị bỏ hoang. Khó khăn trong sản xuất còn kéo dài, bởi theo dự định khu vực này lấy nước tưới từ hồ Tân Mỹ, nhưng công trình chưa hoàn thành.
Nhân dân thôn Tà Lọt trồng bắp ở Khu tái định cư.
Chưa “định canh” đã đành, bà con cũng không an tâm “định cư”. Về nơi ở mới vào cuối năm 2009, mỗi hộ được cấp 1 căn nhà rộng 48m2, thiết kế khá thẩm mỹ, hài hòa với thiên nhiên. Tuy nhiên, các căn hộ ở Khu tái định cư đưa vào sử dụng chưa đầy 1 năm mái đã dột, cửa gỗ bị mối mọt. Mức độ xuống cấp ngày càng trầm trọng, đến nay nhà của một số hộ không thể ở được. Đơn cử như nhà anh Pinăng Thu, toàn bộ cửa chính, cửa phụ bị sụp đổ do mối ăn, mái tole nhựa vênh, cong, nứt nẻ, chỉ cần một cơn mưa nhỏ là nước chảy xuống nền. Chỗ ở bất tiện, anh Thu và nhiều hộ khác phải lên rẫy cũ làm chòi tái túc dài ngày.
Không riêng gì nhà xuống cấp gây khó khăn trong sinh hoạt, mà quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước ở Khu tái định cư bất cập đã nảy sinh nhiều hệ lụy. Nhà chị Pinăng Thị Gình, xây đối diện cống thoát, khi có mưa nước chảy ngập hết đồ đạc. Nhà của anh Pinăng Lâm và một số hộ khác cũng chịu cảnh tương tự.
Để cuộc sống của bà con ở Khu tái định cư thôn Tà Lọt sớm ổn định, các cấp, ngành đã có những động thái tích cực nhằm khắc phục khó khăn. Trước phản ánh của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị chủ đầu tư xây dựng Khu tái định cư) đã thành lập đoàn đi kiểm tra thực địa và đưa ra kết luận nguyên nhân một số hộ không tiến hành sản xuất do khu vực khai hoang chưa có hệ thống nước tưới. Hiện đơn vị đang tập trung lập dự án đầu tư hệ thống kênh mương cấp nước từ nguồn nước sông Cái, công trình sẽ được thi công khi bố trí được vốn.
Tuy nhiên, thực tế phần đất khai hoang không hoàn toàn bạc màu như phản ánh của bà con, mà hiện tại có một số hộ đang sản xuất dựa vào nước trời. Nhằm thúc đẩy sản xuất ở Khu tái định cư, UBND huyện Bác Ái đang xem xét hỗ trợ cày “phá lâm” để bà con tiếp tục canh tác. Khi hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, tổ chức cải tạo đất, đẩy mạnh thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chú trọng luân canh bắp lai - đậu xanh - dưa hấu để nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất.
Trước mắt, vẫn để bà con tận dụng rẫy cũ sản xuất, huyện sẽ lồng ghép các nguồn vốn ưu tiên hỗ trợ triển khai các mô hình có hiệu quả. Riêng vụ hè- thu này, từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ Tam nông, 17 hộ nghèo ở thôn đã được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật thực hiện mô hình bắp lai với diện tích 2 ha. Đồng chí Mai Văn Liếng, cho biết: Mô hình phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, hiện bắp phát triển tốt, độ một tháng nữa là thu hoạch, dự kiến năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha, cao hơn bắp địa phương 2,5 tấn/ha. Nếu mô hình được nhân trên diện rộng trong vụ bắp tới, sẽ giúp bà con phát triển sản xuất hiệu quả hơn.
Về vấn đề “định cư”, qua làm việc với Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, được biết hạng mục nhà ở tại Khu tái định cư được Ban Quản lý Dự án nông nghiệp bàn giao quyền sở hữu cho các hộ dân vào năm 2009. Thời gian bàn giao công trình đã gần 5 năm, vì thế một số nhà bị dột là khó tránh khỏi. Riêng vấn đề nhà ngập nước chỉ xảy ra cục bộ, Ban Quản lý Dự án nông nghiệp đã đề nghị đơn vị thi công nâng móng cao hơn so với thiết kế, đồng thời khơi thông dòng chảy, tránh nước chảy vào nhà. Sở cũng đã đề nghị UBND huyện Bác Ái tuyên truyền để nhân dân có trách nhiệm bảo quản, sử dụng nhà tái định cư của mình, trường hợp cân đối được nguồn vốn từ các chương trình, dự án thì hỗ trợ sửa chữa cho bà con.
Tuấn Anh