Để nâng cao giá trị sử dụng đất, rút ngắn thời gian quay vòng, các giống lúa, bắp, mì... cho năng suất cao được khuyến khích người dân đưa vào sử dụng thay cho những giống cũ ở địa phương đã bị thoái hóa và đưa các loại cây trồng như dưa hấu, đậu, các loại rau màu khác trồng xen canh, luân canh trên đất lúa, mang lại nguồn thu nhập ổn định, từng bước làm thay đổi tập quán trồng trọt cũ. Đến nay, ngoài diện tích hơn 800 ha lúa, địa phương cũng đã chuyển đổi, mở rộng vùng trồng bắp lên 300 ha, cây mía và cây mì 90 ha, dưa hấu 60 ha, 29,3 ha cây công nghiệp ngắn ngày… ở các thôn Tân Lập 1, Tân Lập 2, Trà Giang 1, Trà Giang 2...
Nông dân xã Lương Sơn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Nhờ sản xuất tập trung gắn với áp dụng khoa học- kỹ thuật vào canh tác nên năng suất cây trồng luôn tăng hàng năm. Trong đó, năng suất lúa bình quân đạt 6,6 tấn/ha, riêng các hộ áp dụng theo mô hình “1 phải, 5 giảm” ở thôn Tân Lập 2 đạt gần 7 tấn/ha, bắp đạt 6,8 tấn/ha, dưa hấu 30 tấn/ha, mì 2 tấn/ha. Ngoài ra, các loại cây trồng khác cũng cho năng suất cao hơn so với các năm trước.
Cùng với trồng trọt, các mô hình đang triển khai tại địa phương như: trồng măng tây xanh, “một lúa, một cá”, nuôi cá diêu hồng... cũng được xã Lương Sơn chú trọng. Hằng năm, xã đều chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ vậy, nhiều nông dân đã học được cách nuôi, trồng và chăm sóc cây, con mang lại năng suất cao.
Trong những năm qua, bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Việt, thôn Tân Lập 1, với 0,5 ha đất trồng trọt, thay vì “độc canh” cây lúa trên một diện tích không mang lại hiệu quả. Năm 2010, anh quyết định chuyển sang trồng luân canh bắp - dưa leo- đậu phộng, nhờ chủ động điều tiết nước hợp lý và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên 3 năm nay mỗi lần thu hoạch, trừ đi chi phí anh thu lãi trên 15 triệu đồng/ vụ cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Không chỉ riêng anh Việt mà còn nhiều hộ khác nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý nên quỹ đất luôn được tận dụng hiệu quả, không có trường hợp bỏ hoang như trước đây...
Ông Đỗ Như Lanh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: Để nâng cao hiệu suất sử dụng đất, hàng năm xã đều lập kế hoạch định hướng việc phát triển sản xuất, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn cây, con giống có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất. Bằng việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên đời sống của người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo được giảm dần.
Hồng Lâm