Vấn đề hôm nay:

Đâu chỉ tại... thị trường!

(NTO) Đến nay, táo xanh ở nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang thu hoạch rộ, năng suất đạt khá mặc dù những cơn mưa sớm có làm giảm chất lượng trái, nhất là độ ngọt... Thế nhưng, điều làm cho người trồng táo lo ngại nhất không phải "sợ" mưa, sợ... "biến đổi khí hậu" mà nỗi sợ lớn nhất vẫn là... mất giá!.

Qua phản ảnh của nhiều nông hộ, giá táo hiện tại chỉ bán được bình quân không quá 4.000 đồng/kg, táo đẹp cũng chỉ có giá trên, dưới 5.000 đồng/kg. Ở mức giá này tuy không lỗ, trừ những giàn táo tơ mới trồng, chưa thu hồi vốn nhưng với số đông là từ huế vốn đến lãi chút đỉnh đủ trang trải cuộc sống gia đình và tái đầu tư trở lại để hy vọng trúng mùa, trúng giá vụ sau.

Các chủ vựa thu mua táo của nông dân đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Sơn Ngọc

Táo rớt giá gần 50% so với đầu vụ là "bài học" không mới mà nguyên nhân chủ yếu không hoàn toàn là do thị trường chi phối mà còn có yếu tố chủ quan, thiếu liên kết trong sản xuất, xem nhẹ việc đưa nhãn hiệu "táo Ninh Thuận" vào sản phẩm của mình khi tiêu thụ!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm gần đây cùng với cây nho, táo xanh đã trở thành sản phẩm đặc thù của tỉnh bởi độ ngon của quả táo mà chỉ có vùng nắng, gió "trời cho" như Ninh Thuận mới khả dĩ có được. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích táo trên địa bàn tỉnh có trên 1.100 ha, trong số này riêng huyện Ninh Phước chiếm gần 50% diện tích, bình quân hàng năm cho sản lượng gần 37.800 tấn (chỉ tính đối với diện tích cho trái). Chính nhờ đặc điểm dễ trồng, đầu tư không cao, dễ chăm sóc... nên cây táo cho năng suất bình quân từ 60-70 tấn/ha. Nếu suôn sẽ, làm đạt theo yêu cầu kỹ thuật, được giá... thì 1 ha đã mang đến cho người trồng từ 500-600 triệu đồng, cá biệt có nông hộ còn thu nhập trên 800 triệu đồng. Đó là chưa tính đến nguồn thu "phụ" khác nhờ nuôi dê, cừu kết hợp cho ăn từ trái tỉa, cành táo... cho nên, nhiều nông hộ trồng tự phát và bằng kinh nghiệm tự học hỏi những người đi trước. Tuy việc chia sẽ kinh nghiệm là "thế mạnh" của nông dân nhưng nếu không gắn với các yêu cầu về "độ sạch" của sản phẩm bằng việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu, đưa các chế phẩm sinh học vào quá trình tăng năng suất, chất lượng cây táo, giảm dư lượng thuốc trừ sâu hại... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thì khó thành công một cách bền vững. Và sự mất giá trong vụ táo này là minh chứng xác đáng nhất, mặc dù trên địa bàn tỉnh có đến trên 50 cơ sở thu mua táo chuyên cung cấp cho các tỉnh, thành cả nước đồng thời còn xuất sang của Trung Quốc, Campuchia… Đồng thời nhãn hiệu táo Ninh Thuận cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học-Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa từ tháng 11-2013.

Vấn đề đặt ra là để trái táo xanh Ninh Thuận thực sự có chỗ đứng bền vững trên thị trường yêu cầu phải có sự liên kết trong sản xuất để gắn với đó là nhãn hiệu "táo Ninh Thuận" đã được công nhận. Muốn vậy, cần áp dụng quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đó là từ khâu quản lý đến đảm bảo an toàn sản phẩm ở tất cả các khâu thông qua 4 tiêu điểm: kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường và truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, cần gắn kết "4 nhà” từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Có thể nói đây mới là "kênh" đầu ra ổn định cả về thị trường và giá cả. Theo tư vấn của một số chuyên gia thị trường:- Nếu không nhanh chóng thay đổi kiểu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ "mạnh ai nấy làm", cộng với thiếu thông tin về nhu cầu thị trường... của bà con nông dân thì khó có thể cho ra sản phẩm táo có chất lượng để đủ sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước.

Chuyện trái táo Ninh Thuận như đã nêu trên không có gì là mới nhưng nếu thiếu quan tâm của ngành chức năng và chậm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân thì sẽ còn là vấn đề "thời sự". Và theo đó là điệp khúc nỗi lo "được mùa mất giá" không bao giờ chấm dứt được.