Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội
Nhang trầm một thẻ biết làm sao
Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió
Hương khói đừng quên nấm mộ nào!
Nguyễn Thái Sơn
Lời bình
“Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” là đạo lí cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Thăm mộ chiều cuối năm bài thơ của Nguyễn Thái Sơn, ám ảnh lay động tâm thức người đọc mỗi chúng ta.
Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội, câu thơ thể hiện được tấm lòng yêu thương, trìu mến của tác giả đối với các anh, các chị đã một thời oai hùng trận mạc. Vạt đồi tự nguyện hóa thành chiếc nôi êm đềm lộng gió vỗ về ru an giấc đồng đội. Vạt đồi cũng là quê hương xứ sở, đùm bọc, chở che bình yên cho những đứa con thân thương nằm yên nghỉ muôn đời trong lòng đất Mẹ.
Một ngày như mọi ngày, nhân vật trữ tình đến nghĩa trang, thắp nén nhang kính viếng linh hồn các anh, các chị. Nghĩa cử đó trở thành nét đẹp bình dị hàng ngày của mỗi người công dân Việt.
Tình huống nào cho một tứ thơ, một cấu trúc trữ tình – thơ – xuất hiện? Đây: Nhang trầm một thẻ / biết làm sao. Sự đối lập giữa số ít (nén nhang) và số nhiều (ngôi mộ). Mâu thuẫn gay gắt: cái đáng lẽ phải có và cái đang có. Làm sao để đủ mỗi ngôi mộ một nén nhang? Cuộc đấu tranh âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt đang diễn ra giằng co trong tâm trạng nhân vật trữ tình . Những ngôi mộ thẳng hàng, yên lặng, đang nhìn thẳng vào mình? Cắm nhang cho ngôi mộ nào? Ngôi mộ nào bỏ qua đây? Không, không thể như thế được…! Bằng cách nào đây? Hình ảnh đồng đội hiện lên. Cuộc sống tâm linh sống dậy, thôi thúc. Tình huống dồn nén đẩy mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm tột cùng. Thôi, thì cũng đành phải bất lực, chịu lỗi với đồng đội, biết làm sao được? Thế rồi bỗng như xuất hiện một tia chớp rực sáng lóe lên giữa bầu trời: Cắm nơi đầu gió. Ôi, giây phút ấy mới tuyệt vời làm sao! Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió. Thắp lên là lửa bật sáng làm cho những nén nhang cháy rực lên, khói thơm lan tỏa thành chiếc cầu linh thiêng trong tâm cảm, tâm linh của người đến viếng với người đã khuất . Thắp cũng là thắp sáng lên niềm tri ân, thắp sáng niềm tin vào sự trường tồn tương lai dân tộc. Gió thổi. Trầm ngát hương bay, ngọt thơm của trầm nhang, ngọt thơm của tình người, tình đồng đội chia đều đến tận từng bia mộ.
Nỗi cảm xúc, bâng khuâng này sẽ ngân mãi, ngân mãi khó dứt? Bài thơ tứ tuyệt không kéo dài hơn được nữa. Lúc này phải cần lý trí làm bờ neo giữ cảm xúc. Nhưng như vậy lại dễ rơi vào khô khan, lý thuyết. Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn vượt qua được cửa ải chông gai ấy. Câu thơ kết khái quát, bất ngờ, mĩ mãn: Hương khói / đừng quên nấm mộ nào! Tình cảm mà lý trí! Lý trí mà tình cảm! Một lời nhắc nhở xoáy sâu vào tâm can người đọc; cũng chính là tác giả tự nhắc mình đấy thôi! Riêng mà chung; chung mà riêng! Một lời nhắn, một lời tâm nguyện của tất thảy chúng ta: Đừng quên, đừng quên tri ân những anh hùng liệt sĩ, để không phụ xương máu những người đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đất, tấc biển Đất Nước yêu dấu này.
Thái Hà