(NTO) Mới đây, tình cờ trong quán café tôi nghe câu chuyện giữa chủ quán với một khách hàng về… thuốc lá. Vị khách nói với cô tiếp viên: - Cho 1 gói “không… răng”!. Cô tiếp viên hỏi: - Nếu “không răng” giá 30.000 đồng, còn nếu “có răng” giá chỉ 20.000 đồng. Anh chọn loại nào? Vị khách có vẻ ngần ngừ và cuối cùng là gọi… “có răng”! Vốn bỏ hút thuốc từ lâu nên tôi không để ý lắm đến thuốc lá nhưng nghe câu chuyện trên làm tôi không khỏi tò mò. Hỏi ra mới biết, theo quy định của Nhà nước, nhằm hạn chế việc hút thuốc lá để giảm tác hại về sức khỏe cho cả người hút lẫn người không hút nhưng gián tiếp bị ảnh hưởng…
nhà sản xuất phải ghi rõ trên bao bì câu “Hút thuốc có hại cho sức khỏe”. Có lẽ do không “đủ sức” khuyến cáo và cụ thể là số người hút thuốc không những không giảm mà còn tăng, nhất là đối với thanh, thiếu niên (có lẽ để học làm người lớn chăng!) nên gần đây buộc nhà sản xuất phải đưa thêm các hình ảnh tác hại gây ra bởi thuốc lá. Quả thật, hình ảnh “ấn tượng” nhất là in hình hàm răng lưa thưa, ám khói trên đầu bao thuốc lá Craven (con mèo) trông… gớm chết! Tôi và nhiều người bạn khi thấy hình ảnh này một lần đã… ớn và quá “nể” ý tưởng của người tạo ra logo này. Ngay cả nhà sản xuất chắc càng “miễn cưỡng” lắm mới quyết định in hình ảnh đó trên bao thuốc là để “hù” các tín đồ của loại cây mà từ xa xưa đã được đặt cho cái tên rất mỹ miều: “tương tư thảo”. Xem ra có hiệu quả lắm! Nếu không sao vị khách hàng kia lại tìm thuốc “không… răng”!. Lân la hỏi chuyện quả thật là người hút cũng muốn bỏ thuốc không phải vì sợ bệnh, sợ làm “ô nhiễm môi trường”… mà vì thấy… gớm quá!. Có điều thuốc “không răng” ở đâu ra? Theo chủ quán café, thuốc này là hàng cũ và hầu hết là nhập lậu từ nước ngoài vì trong nước không còn sản xuất loại thuốc con mèo này. Cũng vì nhập lậu, bán chui nên giá gần gấp rưỡi thuốc lá sản xuất trong nước.
Câu chuyện cũng bình thường thôi nhưng điều chúng tôi muốn nói là tác động của hình ảnh đến tâm lý con người là rất quan trọng như hình ảnh hàm răng ám khói trên bao thuốc lá con mèo vậy. Lại nhớ đến câu chuyện về một quốc gia ở gần Việt Nam ta, rằng trước khi cấp bằng lái xe cho người học là có một chuyến “bắt buộc” phải tham quan tại khoa điều trị về tai nạn giao thông ở bệnh viện. Hơn đâu hết, bằng những hình ảnh sống động về tai nạn giao thông sẽ tác động và in sâu vào tiềm thức của người lái xe để phòng tránh không để xảy ra trước mắt là cho bản thân và sau đó người khác...
Hiện nay, có rất nhiều qui định cấm ở những lĩnh vực liên quan đến con người, xã hội nhưng chủ yếu là bằng văn bản. Giá như nếu được cụ thể bằng hình ảnh in phóng to trên Pano dựng ngay khu trung tâm đô thị về những hành vi cần hạn chế như tác hại của ma túy, tai nạn giao thông,… thì sức thuyết phục sẽ cao hơn. Tôi tin như vậy.
Tuấn Dũng