Ảnh minh họa
Virus và vi khuẩn nhiễm vào thực phẩm không chỉ từ môi trường sản xuất, mà còn ở tất cả các khâu sơ chế, chế biến thực phẩm. Thời tiết nóng ẩm mùa hè là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn sinh sôi và lây truyền với tốc độ chóng mặt.
Trước nguy cơ các bệnh truyền qua thực phẩm do virus và vi khuẩn được ghi nhận ngày một gia tăng và thường phát tác mạnh vào mùa hè, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra các khuyến cáo phòng, chống các bệnh này.
6 nguyên tắc phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn và virus
Ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn, virus khá phổ biến ở các cộng đồng dân cư có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ vệ sinh xã hội thấp, phong tục tập quán liên quan đến ăn uống, sử dụng thực phẩm, nước sinh hoạt, vệ sinh của người và động vật chứa đựng nhiều yếu tố nguy cơ truyền bệnh.
Các nhóm virus gây bệnh truyền qua thực phẩm phổ biến là: Virus gây viêm dạ dày, ruột; virus viêm gan A; virus Rota, virus viêm gan…
Các bệnh do dùng thực phẩm nhiễm vi khuẩn gồm: Tả, viêm ruột-dạ dày, viêm cấp tiểu-đại tràng do vi khuẩn và độc tố ruột, viêm dạ dày-tiểu tràng cấp và nhiễm độc toàn thân do ngoại độc tố tụ cầu vàng…
Bệnh truyền qua thực phẩm do virus và vi khuẩn là nhóm bệnh có thể chủ động phòng chống bằng các biện pháp đặc hiệu và bằng việc thực hành an toàn thực phẩm của cộng đồng thông qua 6 biện pháp sau:
1. Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, cơ sở giết mổ, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân đặc biệt là vệ sinh bàn tay.
2. Sử dụng hóa chất diệt khuẩn phù hợp, đúng lúc, đúng liều lượng và không được lạm dụng. Kết hợp các phương pháp diệt khuẩn vật lý, cơ học, sinh học.
3. Thực hiện “10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn” hoặc áp dụng “5 chìa khóa an toàn thực phẩm” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Thực hiện ăn chín, uống chín.
4. Thực hiện nguyên tắc điều trị, phát hiện sớm nguồn gốc lây nhiễm và căn nguyên vi khuẩn để có hướng xử trí đúng đắn với người bệnh, nguồn bệnh, yếu tố truyền nhiễm và người lành có nguy cơ mắc bệnh khi có ngộ độc xảy ra.
5. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm suốt chuỗi cung cấp thực phẩm, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
6. Dự phòng đặc hiệu với một số tác nhân vi khuẩn gây ra ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm có vaccine phòng bệnh khá hiệu quả như Vibrio cholerae hay Shigella.
Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành Y tế.
10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn
1.Chọn thực phẩm an toàn. 2. Nấu kĩ thức ăn. 3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín. 4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín. 5. Đun kĩ lại thực phẩm trước khi ăn. 6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín. 7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ. 8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ. 9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác. 10. Sử dụng nguồn nước sạch.
5 chìa khóa cho an toàn thực phẩm
1.Giữ vệ sinh. 2. Để riêng thực phẩm sống và đã nấu chín. 3. Đun nấu kỹ. 4. Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn. 5. Sử dụng nước sạch và nguyên liệu tươi.
Nguồn Chinhphu.vn