Theo số liệu của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận gần 260 ca viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản; 4 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái số mắc có giảm, tuy nhiên, Bộ Y tế dự báo, thời gian tới bệnh viêm não có thể tiếp tục tăng.
Tại BV Bạch Mai, Khoa Truyền nhiễm và Khoa Nhi đã bắt đầu ghi nhận các ca viêm não Nhật Bản. Trong đó, Khoa Nhi ghi nhận khoảng gần chục ca nhập viện khám và điều trị.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị 14 ca viêm não, trong đó có một số ca viêm não Nhật Bản. Trung bình một năm BV Nhi TƯ tiếp nhận khoảng 400-600 ca viêm não, trong đó bệnh viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10%.
Điều đáng chú ý đối với các ca viêm não Nhật Bản là đa số bệnh nhân đều phát hiện bệnh muộn, qua giai đoạn cấp nên dễ để lại di chứng và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
TS.BS. Phạm Thanh Thủy, Phó Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viêm não Nhật Bản gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ ở lứa tuổi 2-6 tuổi. Bệnh chủ yếu xuất hiện vào các tháng 5, 6 và 7 âm lịch.
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, co giật, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm, chống loét...
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai, để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay là tiêm phòng vaccine.
Đối với trẻ nhỏ, tiêm vaccine viêm não Nhật Bản mũi 1 lúc trẻ 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Trong trường hợp thấy trẻ sốt cao, có dấu hiệu buồn nôn, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, người dân cần ngăn chặn đường lây truyền của bệnh viêm não Nhật Bản bằng cách diệt muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Nguồn Chinhphu.vn