Đào tạo nghề lao động nông thôn

(NTO) Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Đào tạo nghề lao động nông thôn

Từ năm 2010 đến nay, huyện Ninh Phước đã tổ chức 6 lớp nghề dệt thổ cẩm cho 180 học viên, chủ yếu là lao động nữ của làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Sau khi hoàn thành khóa học, hầu hết học viên có được việc làm tại chỗ. Không chỉ nâng cao tay nghề cho người dân, thông qua đào tạo nghề còn góp phần giúp làng nghề ngày càng phát triển. Nếu trước năm 2010, làng nghề chỉ có 420 hộ làm nghề, 10 tổ hợp tác thì đến nay đã phát triển lên 838 hộ, 10 tổ hợp tác, 1 HTX, giải quyết việc làm tại chỗ cho 750 lao động. Chị Phú Thị Hồng Gấm, một nghệ nhân cho biết: Trước đây, tôi chỉ biết làm nông, thời gian nông nhàn đi làm thuê, thu nhập bấp bênh. Được cán bộ địa phương vận động, tôi tham gia khóa học nghề dệt thổ cẩm. Có nghề trong tay, tôi tranh thủ thời gian nông nhàn làm thêm, có thêm thu nhập từ 1,8-2 triệu đồng/tháng.

 
Lớp đào tạo nghề may dân dụng tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Long

Mô hình đào tạo nghề dệt thổ cẩm chỉ là một trong nhiều mô hình đào tạo nghề hiệu quả ở tỉnh ta. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 4 năm (2010-2013), toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 16.000 LĐNT; trong đó dạy nghề phi nông nghiệp cho trên 4.800 người, chiếm tỷ lệ 30,5%; dạy nghề sản xuất nông nghiệp cho gần 11.000 người, chiếm tỷ lệ 69,5%. Số LĐNT sau học nghề có việc làm, tự tạo việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế lao động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập đạt trên 70% so số lao động được đào tạo nghề.

Bà Đặng Thị Phấn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, hàng năm sở đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên kế hoạch cụ thể, trên cơ sở cân đối nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu thị trường lao động, điều kiện sản xuất của từng địa phương... từ đó đưa ra ngành nghề, thời gian, chỉ tiêu đào tạo hợp lý, đặc biệt gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Đối với nghề phi nông nghiệp, các đơn vị ưu tiên tổ chức các lớp dạy nghề gắn với tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản, may mặc trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận – Ninh Thuận, Công ty TNHH May Tiến Thuận, Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú nên đa phần lao động qua đào tạo được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc. Trong 4 năm qua, đã có gần 2.300 lao động được đào tạo và tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp này. Nhằm khôi phục các làng nghề, tiến tới hình thành, phát triển các tổ hợp tác sản xuất, ngành chức năng đã tổ chức đạo tạo một số nghề truyền thống và một số nghề mới như: sản xuất gốm, dệt thổ cẩm, đan mây, tre, lát, thêu tay, đính kết cườm... Qua đó đã truyền nghề cho 624 người, giúp người dân tận dụng hiệu quả thời gian nhàn rỗi để tham gia sản xuất, gia công, tăng thêm thu nhập.

Thời gian qua, tỉnh ưu tiên tổ chức dạy các nghề ở lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp. Đối với ngư nghiệp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên đi biển cho các ngư dân nhằm phát huy năng lực khai thác thủy sản, nâng cao ý thức về khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản. Trong 4 năm qua, đã có trên 2.000 ngư dân được qua đào tạo nghề. Các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp thì đào tạo kỹ thuật trồng cây lương thực, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật nuôi tôm; trồng rong sụn... đã giúp người lao động vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập.

 
Đào tạo nghề đan lát cho lao động nông thôn xã Phước Thành (Bác Ái).

Đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm

Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, công tác đào tạo nghề LĐNT vẫn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp với quy mô sản xuất lớn cần nhiều lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh hiện rất ít nên khả năng triển khai các lớp nghề phi nông nghiệp gắn với tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu đề ra. Đối với việc đào tạo nghề truyền thống, gắn với việc làm tại chỗ, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 làng nghề là Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và sản xuất gốm Bàu Trúc (Ninh Phước), còn lại sản xuất khá manh mún, nhỏ lẻ, đầu ra tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định nên chưa thu hút lao động tham gia học nghề và làm nghề...

Theo kế hoạch, trong năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 4.000 LĐNT. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng triển khai được 36 lớp đào tạo nghề cho 1.214 lao động với các ngành nghề chăn nuôi, thú y, may công nghiệp...

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, ngoài các chế độ, chính sách ưu đãi đào tạo nghề, chính quyền các địa phương, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, giúp người lao động chọn nghề phù hợp; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; tăng cường hỗ trợ người lao động sau học nghề được tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết việc làm cũng như giúp họ hình thành các tổ hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa, đảm bảo người học sau tốt nghiệp tìm được việc làm hoặc vận dụng vào thực tế để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập. Qua đó, tạo nên sức hấp dẫn thu hút nhiều lao động tham gia học nghề, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2015, trong đó có 20.000 LĐNT được đào tạo nghề và giai đoạn 2016-2020 sẽ thu hút 21.570 LĐNT tham gia đào đào nghề.