Theo báo cáo của ngành chức năng, tính đến giữa tháng 5-2014, trong tổng số 20 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh thì đã có có 8 hồ cạn nước, 12 hồ còn lại mực nước đang có xu hướng giảm mạnh; hiện chỉ còn trên 56,6 triệu m3/192,21 triệu m3, chiếm 29,48% dung tích thiết kế. Đơn cử như hồ Sông Sắt còn gần 29,40/69,33 triệu m3; hồ Sông Trâu trên 3,90 /31,53 triệu m3; hồ Trà Co 2,95/10,1 triệu m3; hồ Lanh Ra 9,2/13,89 triệu m3; hồ Bà Râu 0,80 /4,67 triệu m3... chỉ đủ cung cấp nước để phục vụ một số diện tích đất sản xuất vụ hè –thu, nước uống cho gia súc và một bộ phận dân cư hưởng lợi từ các hồ chứa nước này.
Nông dân xã An Hải áp dụng hiệu quả mô hình trồng cỏ tưới tiết kiệm nước trong mùa khô hạn.
Ảnh: Sơn Ngọc
Những ngày qua tuy có mưa ở một số địa phương nhưng lượng mưa cũng chỉ đủ làm dịu mát không khí oi bức của những ngày hè mà thôi. Theo dự báo, trong thời gian tới tình hình nắng hạn sẽ còn kéo dài trên địa bàn tỉnh, dẫn đến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc và nước cho sản xuất trong thời gian tới là rất lớn. Do vậy, để bảo đảm nguồn nước phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh, cùng với các biện pháp thiết thực như tiếp tục thực hiện nghiêm phương án điều tiết nước hợp lý, tưới tiết kiệm; xây dựng phương án đào ao, giếng nước, bể dự trữ để tích nước, sử dụng phương tiện máy bơm để bơm tát nước khi cần thiết...vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị “Về việc sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất trên địa bàn tỉnh năm 2014”. Theo đó, giao trách nhiệm cho sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công ty TNHH Một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Ninh Thuận phối hợp với các huyện, thành phố và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc phương án phân phối, điều tiết nguồn nước hợp lý; tăng cường áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, hiệu quả; duy trì kế hoạch tưới luân phiên giữa các kênh trong hệ thống, tránh xảy ra tranh chấp nước giữa các hộ dân và có biện pháp ngăn chặn việc gieo trồng ngoài kế hoạch do ngành nông nghiệp khuyến cáo. Ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, nước cho chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn về nguồn nước. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn; Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh, các nhà máy cấp nước thuộc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra đường ống, hệ thống cấp nước do đơn vị quản lý để phát hiện, sửa chữa kịp thời, hạn chế thất thoát, lãng phí nguồn nước; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn xem xét, đấu nối, điều tiết nguồn nước đảm bảo cung cấp kịp thời cho người dân trên địa bàn tỉnh có đủ nước sinh hoạt. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, hướng dẫn người dân sử dụng tối đa các nguồn nước hiện có, thông qua việc xử lý nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình để có giải pháp phòng, chống hạn trên địa bàn quản lý; có giải pháp hỗ trợ kịp thời, không để tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban trực thuộc có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp khuyến cáo và hướng dẫn người dân chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, giảm diện tích lúa, tăng diện tích rau, màu và các cây trồng chịu hạn có hiệu quả kinh tế; tập trung nhân rộng mô hình “1 phải 5 giảm” trên cây lúa, tưới tiết kiệm trên cây Nho, Táo và các mô hình luân canh, xen canh phù hợp...
Thiết nghĩ, hơn ai hết người dân rất ”thấm thía” với những hậu quả do hạn hán gây ra cả trong sản xuất và đời sống. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của các ngành chức năng liên quan và lãnh đạo các địa phương trong việc tuyên truyền, hỗ trợ, tổ chức thực hiện các mô hình chống hạn hiệu quả... theo tinh thần Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh.
Hạ Huyền