Có thể nêu ra một số mô hình như: sản xuất bắp giống lai, lúa giống, mía đường... trên cơ sở ký kết với doanh nghiệp để nhận đầu tư trước và bao tiêu sản phẩm với giá cả thường là cao hơn giá thị trường tại thời điểm. Điều cũng đáng nói là nhiều bà con nông dân còn mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất bằng việc ứng dụng các thành tựu của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí “đầu vào”, ngược lại “đầu ra” đạt hiệu quả cao nhờ năng suất tăng, chất lượng sản phẩm tốt và điều tất nhiên là giá cả cũng tốt hơn.
Cây táo cho thu nhập 500- 700 triệu đồng/ha góp phần nâng cao đời sống nông dân. Ảnh: Sơn Ngọc
Đó là chưa nói đến “lãi” phát sinh từ tiết kiệm chi phí đồng thời sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Nhiều nông hộ hàng năm đạt giá trị sản xuất hàng trăm triệu đồng/ha, có những cây trồng như nho, táo cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng/ha. Một số nông hộ qua thông tin thị trường đã chủ động chuyển đổi cây trồng thu nhập thấp sang trồng rau các loại để cung cấp cho thị trường theo hình thức mùa nào cây rau nấy đem lại lợi nhuận không nhỏ...
Tuy nhiên, cân phân mà nói để thay đổi tư duy sản xuất không dễ ngay cả trong giới “nông dân trẻ”. Thực tế là số diện tích được “tái cơ cấu” sang cây trồng được đầu tư với “hàm lượng” công nghệ cao để tăng thu nhập cho nông hộ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, khoảng trên dưới 10% so với tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên địa bàn tỉnh. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan như nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm chủ trương “tái cơ cấu” sản xuất nông nghiệp mà thả nổi cho ngành và nông hộ. Bình quân diện tích đất /nông hộ không nhiều, nhưng “giải pháp” dồn điền đổi thửa lại chưa được thực hiện... Đó là chưa nói đến tình trạng thiếu thông tin, thiếu được hướng dẫn cụ thể về trồng cây gì, ở đâu, thị trường như thế nào... nên nông dân có tư tưởng “an phận”, trước sản xuất cây gì nay làm cây ấy cho... chắc, tránh rủi ro. Mặc dù không ít nông hộ đã quá “thấm thía” với “căn bệnh” trầm kha là “được mùa mất giá”, lại cũng quá hiểu nếu chỉ đơn thuần chạy theo sản xuất truyền thống thì thu nhập rất thấp nhưng để thay đổi không chỉ một mình mà làm được.
Có chuyên gia cho rằng nếu sản xuất không hiệu quả cũng đồng nghĩa với lãng phí tài nguyên đất đai!. Cho nên, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải làm một cuộc “cách mạng” trong thay đổi tư duy sản xuất theo hướng xây dựng các nhóm hộ, tổ hợp tác sản xuất kiểu mới. Mặt khác, sản xuất phải gắn với thị trường ở từng nhóm sản phẩm, từng loại sản phẩm, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật để tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường...
Suy cho cùng, để thay đổi tư duy trong sản xuất ngoài “chủ thể” là nông dân thì rất cần đến sự vào cuộc tích cực của chính địa phương, của ngành liên quan và cả doanh nghiệp.
Hạ Huyền