Vực dậy tiềm năng nội tỉnh
Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có xu hướng hồi phục, nhưng vẫn còn đối mặt thách thức và chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất CN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường đã thúc đẩy sản xuất CN của tỉnh tăng trưởng khá so cùng kỳ.
Công nhân kỹ thuật Công ty CP Bia Sài Gòn - Ninh Thuận
kiểm tra sản phẩm bia lon trên dây chuyền sản xuất.Ảnh: Duy Anh
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sản xuất ngành CN trong 5 tháng đầu năm đã bắt đầu có dấu hiệu khả quan hơn nhờ các DN phát huy tốt năng lực sản xuất các sản phẩm truyền thống, đây có thể coi là tín hiệu tốt cho sự hồi phục của sản xuất. Cụ thể, đối với các DN trong ngành CN chế biến, chế tạo đã chủ động tìm kiếm, khai thác đầu ra sản phẩm, đồng thời thực hiện giảm giá một số sản phẩm để tăng được lượng sản phẩm tiêu thụ… Do vậy, chỉ số sản xuất của nhóm ngành này đã tăng đến 51,44% so với cùng kỳ.
Riêng lĩnh vực dệt may, bên cạnh tiếp tục sản xuất theo các đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài, các DN như: May Tiến Thuận, Dệt Quảng Phú cũng đã tích cực trong việc tìm đơn đặt hàng mới và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, đã góp phần đưa giá trị sản phẩm khăn bông các loại tăng 3,3 lần và may gia công tăng 4,69% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ lực khác như: Muối chế biến bắt đầu ổn định sản xuất và thị trường nên đã tăng 56,79%; xi măng tăng 74,36%; muối biển tăng 26,7%; điện thương phẩm tăng 20,34%; nước uống tăng 12%; đặc biệt sản phẩm mới như Bia đóng lon đạt 3,56 triệu lít. Qua đó, góp phần đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) toàn tỉnh tăng 33,37%. Trong đó, nhóm CN khai khoáng tăng 15,33%; cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải tăng 10,83% và sản xuất, phân phối điện tăng 6,23%.
Về hoạt động xuất khẩu, ngoài nhân hạt điều giảm do các DN đang tập trung thực hiện chiến lược chuyển hướng kinh doanh, còn lại các mặt hàng như: Thủy sản đạt 1,81 triệu USD, tăng 30%; các mặt hàng khác ước tăng 111% so cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 đạt 4,3 triệu USD, tăng 25% so với tháng trước (lũy kế xuất khẩu 5 tháng ước đạt 15,76 triệu USD).
Những khó khăn cần tháo gỡ
Tuy kết quả đạt được là vậy, nhưng đánh giá một cách khách quan cho thấy, đóng góp của ngành CN cho kinh tế tỉnh nhà trong 5 tháng đầu năm không cao. Nếu cộng dồn 5 tháng, hoạt động sản xuất CN có rất nhiều sản phẩm sản xuất giảm so với cùng kỳ như đá xây dựng giảm 17,98%, tôm đông lạnh giảm 14,24%, điện sản xuất giảm 8,37%... Theo phân tích của đơn vị chủ quản, nhân tố tác động làm giảm giá trị sản xuất và mức tăng trưởng chung của ngành CN nội tỉnh là do một số sản phẩm hoạt động theo vụ mùa như: đường, tinh bột sắn đã ngừng sản xuất. Mặt khác, xét về mặt hình thức các DN tỉnh ta hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu, nhưng thực chất cũng chỉ dùng lại ở ”mắc xích” trong hệ thống dây chuyền gia công sản phẩm cho một số tập đoàn, DN lớn trong và ngoài nước, hoặc là xuất khẩu ủy thác thông qua các DN lớn, nên lợi nhuận không cao và luôn bị o ép từ nhiều phía.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa, đó là hiện nay tại các khu, cụm CN của tỉnh ta số DN đăng ký đầu tư còn quá khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn con số chưa đầy 20 DN. Trong năm 2013, các DN này đóng góp ngân sách cho tỉnh chưa đến 160 tỷ đồng. Ngay như cụm CN Thành Hải, là cụm CN “trụ cột” của tỉnh, được đầu tư từ năm 2004 với quy mô trên 57 ha, nhưng sau 10 năm triển khai, đến nay cụm CN này cũng chỉ mới có 10 DN đăng ký đầu tư, với tổng diện tích 31,75 ha, tỷ lệ lấp đầy cụm CN chỉ đạt 55,4%. Điều đáng nói là trong 10 DN kể trên có đến 3 DN đang trong giai đoạn đầu tư, 7 DN đi vào hoạt động thì đến nay có một số đang trong giai đoạn “chết yểu” như Công ty TNHH TM-XD-DV May thêu xuất khẩu Hoàng Anh (OIC). Sau cụm CN Thành Hải thì cụm CN Tháp Chàm cũng không mấy khả quan. Với quy mô chưa đến 24 ha nhưng đến nay, tỷ lệ lấp đầy cụm CN này cũng chỉ mới đạt 56,4%. Theo phân tích của các ngành chức năng, đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở việc huy động sức mạnh tổng thể của nền CN phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH địa phương.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, hiện nay ngoài việc chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, tình hình hoạt động của các DN để kịp thời có biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, nhằm duy trì và mở rộng thị trường các sản phẩm hiện có như: Nhân hạt điều, thuỷ sản các loại, các sản phẩm từ yến, đá Granite..., tỉnh ta còn ưu tiên, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN thực hiện việc tiết giảm chi phí nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng trong sản xuất, lưu thông ở những khâu không cần thiết. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tạo cơ chế mở cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự đã khởi công, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến để tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, để tăng năng lực sản xuất mới.
Văn Thanh