Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P)
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong Công văn số 6544/BTC-QLG do Bộ Tài chính ban hành ngày 20-5-2014 để hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nêu rõ nguyên tắc xác định giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng, được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng (+) các chi phí hợp lý khác có liên quan nhưng tối đa không quá 15% của giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, tỷ lệ 15% là tỷ lệ dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất.
Các chi phí hợp lý khác có liên quan được xác định theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TT-BTC ngày 17-2-2014 của Bộ Tài chính về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính.
Trường hợp có nhiều khâu phân phối, giá bán lẻ tối đa cũng chỉ được xác định cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá).
Trường hợp có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý giá ở địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện xác định giá bán lẻ tối đa theo công văn này và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý giá ở địa phương.
Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm sữa có tổ chức hệ thống phân phối riêng và có chính sách bán lẻ khi xác định giá bán buôn tối đa thì đồng thời xác định giá bán lẻ tối đa đảm bảo cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa; đồng thời xác định giá cho các khâu phân phối tiếp theo trong hệ thống phân phối theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo.
Đối với tổ chức, cá nhân là đại lý bao tiêu, đại lý độc quyền, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định giá khác thực hiện xác định giá bán lẻ tối đa theo nguyên tắc trên; đảm bảo cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Giá bán lẻ tối đa của sản phẩm sữa đến người tiêu dùng phải đảm bảo thấp hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường của sản phẩm đó (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá).
Sau khi xác định giá bán lẻ tối đa theo nguyên tắc trên, tổ chức, cá nhân gửi bảng giá bán lẻ tối đa đến cơ quan có thẩm quyền quản lý giá.
Trường hợp giá bán lẻ tối đa gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá cao hơn quy định (vượt quá 15% so với giá bán buôn của nhà sản xuất, nhập khẩu), cơ quan có thẩm quyền quản lý giá có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình và xác định lại giá bán lẻ tối đa.
Sau 03 lần giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu, hoặc không thực hiện giải trình trong vòng 05 ngày làm việc hoặc không thực hiện xác định giá bán buôn tối đa thì tổ chức, cá nhân phải thực hiện mức giá bán lẻ tối đa do cơ quan có thẩm quyền quản lý giá xác định.
Tổ chức, cá nhân thực hiện bán buôn đăng ký giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trước ngày 6-6-2014.
Cũng tại buổi họp báo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính, khẳng định, ngay sau khi có biện pháp bình ổn giá mới, cơ quan quản lý đã phát hiện một số chiêu lách luật của doanh nghiệp như thay đổi mẫu mã, trọng lượng sản phẩm. Ông cho biết, bảng giá trần được Bộ Tài chính xây dựng dựa trên kết quả thanh tra của cơ quan quản lý về giá sữa trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, chi phí cấu thành và có đối chiếu, so sánh với giá trên thị trường thế giới. Giá trên hoàn toàn căn cứ vào quy định pháp luật để xem xét đánh giá đề xuất, không có sự phân biện doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam