Hội thảo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

(NTO) Ngày 27-5, UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 tỉnh Ninh Thuận”. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Kinh tế Đà Nẵng; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh.

Nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, thời gian qua UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhờ đó chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát điểm số PCI năm 2013 của tỉnh ta chỉ đạt 54,22 điểm, xếp hạng 52/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 34 bậc so với năm 2012.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo.
 
 
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Văn Miên

Trong 10 chỉ số thành phần PCI, tỉnh ta có tới 6 chỉ số giảm sút cả số điểm và thứ hạng làm ảnh hưởng đến thứ hạng chung như chỉ số chi phí thời gian tụt giảm 16 bậc, chỉ số đào tạo lao động giảm 25 bậc, chỉ số chi phí không chính thức giảm 7 bậc... Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số giảm thứ bậc so với năm 2013, tỉnh ta vẫn có 3 chỉ số cải thiện thứ hạng khá mạnh, đó là: Tính minh bạch, đạt 5,97 điểm, tăng 0,34 điểm, đứng thứ hạng 15/63, tăng 30 bậc; chỉ số chi phí gia nhập thị trường, đạt 8,59 điểm, xếp thứ 3/63, tăng 31 bậc; tính thiết chế pháp lý, đạt 6,65 điểm, tăng 2,59 điểm, xếp thứ hạng 6/63, tăng 10 bậc.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm từ các tỉnh về nâng cao PCI cấp tỉnh; các doanh nghiệp có nhiều ý kiến kiến nghị với tỉnh về: chính sách về đầu tư, hỗ trợ vốn vay, thủ tục cải cách hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trên đường phát triển. Ảnh: Văn Miên

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những ý kiến của các chuyên gia, các tỉnh bạn về kinh nghiệm nâng cao chỉ số PCI để tỉnh Ninh Thuận có cách nhìn toàn diện và sâu sắc hơn đối với tình hình thực thế ở địa phương. Yêu cầu các cấp, các ngành căn cứ Chương trình hành động nâng cao PCI của tỉnh để chọn khâu đột phá thực hiện, góp phần cùng cả tỉnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Mục tiêu đặt ra nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư để khôi phục vị trí xếp hạng PCI cấp tỉnh như năm 2012, để phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nhanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về PCI cấp tỉnh cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức tinh thần trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về mục đích yêu cầu, nhiệm vụ của Chương trình hành động nâng cao PCI của tỉnh... Xây dựng và triển khai ngay Kế hoạch nâng cao chỉ số thành phần PCI thuộc nhiệm vụ của ngành, địa phương mình đảm bảo tính kịp thời, đạt hiệu quả và có hoạt động cụ thể ngay trong quý II này.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh,

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh:

Với mục tiêu phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh cải thiện trở lại, sau hội nghị này UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phải nâng cao trách nhiệm, rà soát lại toàn bộ các chỉ số liên quan đến ngành mình để cung cấp thông tin về cảm nhận DN nhằm điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đặc biệt, để tạo niềm tin cho DN và nhà đầu tư, các sở, ngành phải năng động, linh hoạt trong giải quyết, xử lý các vấn đề phù hợp tình hình kinh tế hiện nay; đồng thời phối hợp chặt chẽ các địa phương tạo thuận lợi nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, có thái độ thật sự đồng hành, thân thiện và cởi mở với các DN. Cùng với đó, tỉnh sẽ triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ DN như: Giảm, giãn thuế, ưu tiên giải quyết nợ đọng, tăng cường đối thoại, làm việc trực tiếp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Tiếp tục tổ chức lại bộ máy hoạt động, nhằm phát huy tinh thần trách của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người đứng đầu các sở, ban, ngành trong tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch hành động, giải pháp cụ thể của ngành, địa phương mình, nhằm tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận, góp phần cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI của tỉnh ngay trong thời gian tới.

Đồng chí Phạm Đồng

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Để góp phần cải thiện mạnh mẽ các chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” và Chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước” theo chức năng và nhiệm vụ được giao, thời gian tới, ngoài việc triển khai khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc phục vụ của các cơ quan hành chính, nhằm có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh công khai các Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định; tập trung chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN thông qua tăng cường đối thoại trực tiếp. Cùng với đó, đơn vị sẽ kết nối, hỗ trợ DN bằng việc tăng cường cung cấp thông tin về cải cách hành chính, tình hình giải quyết các thủ tục đầu tư và nhiều thông tin quan trọng khác thông qua việc kết nối trực tuyến trên Website của Văn phòng EDO với DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN và nhà đầu tư hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Đậu Anh Tuấn

Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Theo tôi, Ninh Thuận muốn cải thiện chỉ số PCI thì trước hết phải tập trung thực hiện tốt các giải pháp: Tăng cường công khai các tài liệu pháp lý và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh của DN để cải thiện lòng tin và sự minh bạch của mình. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng tới việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ DN như thực hiện các chương trình đào tạo, giới thiệu việc làm... Về lâu dài tỉnh cần duy trì những yếu tố cải cách tích cực, đồng thời nỗ lực hơn nữa ở những lĩnh vực liên quan đến tính năng động của chính quyền tỉnh; lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương phải thật sự quyết tâm, đồng lòng, rút kinh nghiệm từ các năm đã qua và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch hành động, giải pháp thực hiện cụ thể, để có những chính sách điều chỉnh kịp thời, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho DN.

Bà Nguyễn Ngọc Lan

Chuyên gia Dự án Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Mục đích của việc nâng cao chỉ số PCI chính là cải thiện công tác quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động. Nhưng thực tế hiện nay, các DN dân doanh của Ninh Thuận chưa nhận được sự ủng hộ như các DN có vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến việc cạnh tranh chưa bình đẳng. Vì thế, muốn cải thiện được chỉ số PCI thì Ninh Thuận không chỉ ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN mà cần phải xây dựng được nhiều "cửa mở" để các DN nội tỉnh có điều kiện tiếp xúc với thị trường chung của khu vực, nhất là việc giúp DN tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng, minh bạch thông tin về tiếp cận đất đai, hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu DN, cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu... Nếu thực hiện tốt những vấn đề trên, tin rằng Ninh Thuận hoàn toàn có thể cải thiện chỉ số PCI trong một vài năm sắp tới.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng

Viện phó Viện Kinh tế Đà Nẵng:

Trong 10 chỉ số thành phần PCI của năm 2013, Ninh Thuận có tới 5 chỉ số giảm sút cả về điểm số và thứ hạng. Điều này cho thấy, cảm nhận của DN đối với điều hành của chính quyền địa phương các cấp chưa thật sự tốt. Do đó, chúng tôi cho rằng, Ninh Thuận muốn đột phá trong cải thiện chỉ số PCI trước hết các cơ quan, đơn vị của tỉnh cần phải thay đổi quan niệm đề cao tính thành tích trong kết quả PCI. Để thực hiện được việc này tỉnh cần có một đơn vị chuyên trách mảng điều tra, khảo sát, đánh giá khách quan chỉ số PCI, bởi khi cơ quan này độc lập với các bộ phận trực tiếp cung cấp dịch vụ thì DN sẽ dễ dàng thể hiện quan điểm của mình khi đánh giá chất lượng môi trường đầu tư tại địa phương. Bên cạnh đó, cần phải biết phát huy trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các sở, ngành, có sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương với nhau, đồng thời phải biết tiếp thu, coi trọng các ý kiến đóng góp, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm của các DN. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn mà TP. Đà Nẵng đã áp dụng rất thành công trong việc duy trì chỉ số PCI của mình trong nhiều năm liền.

>> Mời xem video clip: Hội thảo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh