Để các làng nghề phát triển bền vững

(NTO) Toàn tỉnh hiện có 3 làng nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, gốm Bàu Trúc và 14 làng có nghề, với 1.349 cơ sở hoạt động ở các lĩnh vực: Dệt chiếu cói, thủ công mỹ nghệ, chế biến cá cơm hấp, chế biến nước mắm, sản xuất đũa... Số lao động tham gia ở các làng nghề hiện có khoảng trên 4.000 người.

Hiệu quả kinh tế mà các làng nghề mang lại cho người dân là khá lớn, tuy nhiên thực tế phải nói rằng, do các làng nghề ở tỉnh ta chủ yếu phát triển tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể, nên việc đầu tư hệ thống nước thải tập trung và việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ để cải tiến quy trình sản xuất, giảm phát thải ô nhiễm tại một số làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế.

Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp (Phước Dân, Ninh Phước).
Ảnh: Văn Miên

Theo kết quả đánh giá hiện trạng, mức độ phát thải ô nhiễm môi trường vào cuối năm 2013 của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, trong số 17 làng nghề, hiện nay có 7 làng nghề phát sinh nước thải sản xuất, 4 làng nghề phát sinh tiếng ồn và 4 làng nghề có phát sinh thải khói. Thành phần chất thải các làng nghề phát thải ra môi trường chủ yếu là tro, dăm bào, mùn cưa, chỉ, cói thừa, vải thừa, nước thải..., với lượng thải trung bình khoảng 4 - 1.730 kg chất thải rắn/làng nghề/ngày.

Cụ thể như ở làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước), do sản phẩm gốm làm ra đều bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu dùng để nung gốm chủ yếu bằng rơm rạ, củi..., nên lượng khói, bụi lơ lửng và khí CO2 từ hoạt động nung gốm thải ra đã làm cho một số khu vực của làng gốm Bàu Trúc đang bị ô nhiễm nặng. Còn tại các làng nghề có phát sinh nước thải sản xuất như: Làng nghề chế biến nước mắm Lạc Sơn 2, Lạc Tân 1, làng nghề chế biến cá hấp Lạc Sơn 3 (Thuận Nam), làng nghề chế biến hải sản Mỹ Tân (Ninh Hải), làng nghề dệt chiếu cói An Thạnh (Ninh Phước) và làng nghề sản xuất đũa Sông Mỹ (Ninh Sơn), tình trạng nước thải gây ô nhiễm môi trường cũng đang trong tình trạng báo động.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Hiện nay nước thải ở các làng nghề chủ yếu được thu gom, xử lý bằng các bể tự hoại, nên lượng chất thải rắn lơ lửng và các khí COD, BOD5, tổng Ni-tơ, dầu mỡ động thực vật..., từ các hoạt động rửa cá, rửa dụng cụ và vệ sinh mặt bằng nhà xưởng, chà nhám đũa và nhuộm cói thải ra đều vượt quy chuẩn (QCVN 11:2008/BTNMT và QCVN 40:2011/BTNMT) theo quy định của Bộ TN&MT, với lượng thải trung bình khoảng 4 - 128m3/làng nghề/ngày. Riêng 4 làng nghề: Mộc mỹ nghệ Tân Sơn, sản xuất đũa Song Mỹ, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ mặc dù độ ồn đạt mức cho phép, nhưng điều đáng quan tâm là chất thải từ các làng nghề này đều được thu gom và xử lý chung với rác thải sinh hoạt, hoặc xử lý trong phạm vi cơ sở, làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân trong vùng.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua UBND các huyện, thành phố đã phối hợp với Sở TN&MT tổ chức nhiều nhiều đợt kiểm tra, thanh tra nhắc nhở, hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho các cơ sở nâng cao nhận thức trong việc sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến nay tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện. Vì thế, yêu cầu đặt ra các ngành chức năng liên quan cần nhận rõ thực trạng để có hướng xử lý kịp thời. Trước mắt, khi chưa có một chính sách cụ thể, tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh việc hoàn thành và nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải chế biến cá cơm khô hấp tại các làng nghề chế biến cá cơm của tỉnh Ninh Thuận” để đưa vào ứng dụng xử lý ô nhiễm tại các làng nghề chế biến hải sản trong tỉnh. Cùng với đó, tỉnh nên giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương để tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ cơ sở. Tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra, đánh giá, phân loại các làng nghề theo các mức độ ô nhiễm để có giải pháp xử lý như khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các tổ thu gom, xử lý chất thải tại các làng ghề.

Về lâu dài, tỉnh cần căn cứ vào tính chất, đặc thù của từng loại hình làng nghề để lập Quy hoạch phát triển làng nghề cho phù hợp không gian, bố trí khu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trong quy hoạch cần chú ý việc bố trí sản xuất hợp lý, những cơ sở sản xuất cùng một loại sản phẩm nên tập hợp thành một khu vực để dễ xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Đối với các làng nghề, cơ sở sản xuất có khả năng phát triển thành các doanh nghiệp tư nhân nhỏ thì có thể quy hoạch vào các cụm công nghiệp để xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung, bảo vệ môi trường, hướng đến bảo tồn, phát triển bền vững các làng nghề.