Một mùa lúa nữa lại về. Không gian yên tĩnh của vùng quê bị xua tan bởi những tiếng máy gặt. Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang thay thế dần sức trâu, bò và giảm thiểu đáng kể về sức người. Mùa gặt về, làng quê rộn ràng hẳn lên. Từ tờ mờ sáng, tiếng máy gặt đập, tiếng xe tải chở lúa vang lên. Những chiếc xe bò nối đuôi nhau chở lúa từ cánh đồng về nhà để phơi. Mùa gặt thời tiến bộ khoa học-kỹ thuật, mọi thứ đều diễn ra nhanh, gọn, các khâu gặt, phơi, bán lúa cho thương lái đều chỉ diễn ra trong một ngày. Lúa mua xong, thương lái tự đóng bao.
Tôi nhớ về những mùa gặt ngày xưa, khi ấy chưa có máy gặt đập liên hợp như bây giờ. Mùa thu hoạch lúa, cả nhà phải chuẩn bị cả tuần, ba tôi đi thuê nhân công gặt, chạy đôn chạy đáo tìm xe bò chở lúa. Có những mùa không thuê được xe, ba phải mang chiếu, chăn, đèn pin ra đồng ngủ để canh lúa. Vui nhất là khâu tuốt lúa, những hạt lúa vàng tròn bay tung tóe khắp sân khiến không khí nhộn nhịp hẳn lên. Mùa gặt này, mẹ tôi không phải dậy thật sớm, chuẩn bị cơm mang ra đồng cho các thợ gặt nữa. Cũng chẳng còn hình ảnh các bà, các cô đi mót từng cọng lúa rơi rớt trên đồng, các bác nông dân cầm lưỡi liềm cắt và ôm bó lúa trên tay; không còn cảnh đàn vịt tràn xuống đồng thi nhau tìm những hạt lúa còn sót lại…
Vụ đông-xuân năm nay, bà con quê tôi đều phấn khởi, vui mừng vì năng suất đạt cao. Con đường bê-tông phẳng lỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản của bà con và trở thành cái sân phơi lúa lý tưởng.
Mùa gặt, cái nắng như thiêu, như đốt của tháng 5 không làm vơi đi niềm vui của những nông dân. Mùa gặt về, đi đâu cũng thấy bà con phấn khởi mừng nhau “Lúa năm nay được mùa”. Những giọt mồ hôi nhễ nhại thấm đẫm lưng áo càng làm rạng rỡ thêm nụ cười của họ.
Mùa gặt đã khắc họa nên bức tranh rực rỡ sắc màu của vùng quê yên bình. Mùa gặt trong tôi là những giọt mồ hôi ướt đẫm vai áo cha, bạc màu lưng áo mẹ, là những hồi ức đẹp nhất của tuổi thơ lớn lên từ đồng quê.
Minh Khai