Không có vật trung gian truyền bệnh và người lành mang mầm bệnh. Lứa tuổi dễ mắc bệnh là từ 2 – 6 tuổi, nhưng hiện nay 90% trẻ mắc bệnh sởi dưới 10 tuổi, có trẻ mắc sởi lúc dưới 9 tháng tuổi từ những bà mẹ chưa được tiêm vac-xin phòng sởi và cả ở thanh niên 20 – 30 tuổi do chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi.
Virus sởi xâm nhập niêm mạc hô hấp hoặc kết mạc mắt, phát triển tại đây rồi phóng thích virus vào máu đến các tạng gây bệnh và tấn công các tế bào Lympho T làm cho bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch tạm thời nên người bệnh sởi thường dễ bị mắc bệnh khác do bội nhiễm vi khuẩn và thường rất nặng .
Bệnh sởi biểu hiện lâm sàng qua 3 giai đoạn:
-Thời kỳ khởi phát (viêm long kéo dài 3 - 5 ngày)
+ Sốt: từ sốt nhẹ đến sốt cao dần,sốt liên tục; trẻ nhức đầu, đau toàn thân, mệt mỏi, li bì, biếng ăn;
+ Viêm long (xuất tiết): làm mắt đỏ, phù nề mi mắt, chảy nước mắt, chảy ghèn; chảy nước mũi, ho, hắt hơi; viêm long đường tiêu hóa gây tiêu chảy.
+ Nổi ban xuất hiện: khám họng vào ngày thứ 2 có thể thấy các hạt trắng nhỏ như đầu đinh ghim bề mặt niêm mạc má (hạt Koplik) xuất hiện trong vòng 12 – 14 tiếng có giá trị chẩn đoán sớm và chắc chắn.
+ Có thể có hạch cổ và hạch sau tai sưng to, đau.
-Thời kỳ toàn phát:
+ Sau 3 ngày sốt liên tục, sốt giảm dần đến hết sốt; phát ban vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 6, theo trình tự bắt đầu sau tai, lan dần ra mặt, cổ, hai tay, toàn thân và xuống đến chân, tồn tại thêm 3 ngày nữa. Ban sởi là những hạt nhỏ màu hồng đến tím thẫm, không bóng nước, gồ lên mặt da, sờ mịn, đè tan, mọc từng mảng xen kẽ với khoảng da lành. Ban mọc trong đường tiêu hóa gây tiêu lỏng, mọc trong đường hô hấp gây ho. Bệnh sởi nặng hoặc nhẹ căn cứ nhiễm vào hội chứng nhiễm trùng, hội chứng nhiễm độc toàn thân chứ không căn cứ vào ban sởi mọc nhiều hay ít.
-Thời kỳ hồi phục:
Đến ngày thứ 9 ban bắt đầu bay dần cũng trong 3 ngày theo thứ tự như lúc phát ban, từ đầu xuống chân; da bong nhẹ, mịn như bụi phấn, để lại trên mặt da những vết thâm đen xen kẽ với mảng da lành giống như “vết hằn da hổ”, đây là dấu hiệu để khẳng định chẩn đoán bệnh sởi. Những vết này sẽ phai dần và biến mất trong 7 ngày. Bệnh nhân sẽ ăn uống trở lại, tổng trạng phục hồi dần.
Lưu ý trong thời gian hạ sốt nếu sốt trở lại, khó thở hoặc li bì là xem chừng có biến chứng cần đưa vào bệnh viện ngay. Những biến chứng thường gặp là viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi kẻ, viêm não – màng não, viêm tai giửa, viêm tai xương chũm, viêm loét má; tình trạng suy dinh dưỡng có thể làm bội nhiễm thêm các bệnh khác như ho gà, lao phổi, viêm loét giác mạc làm tình trạng xấu thêm và tỉ lệ tử vong tăng cao.
Chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh sởi: Bệnh nhân mắc bệnh sởi ban đầu nên điều trị tại nhà có cán bộ y tế theo dõi; cách ly bệnh nhân sởi với mọi người, chủ động đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày bằng nước ấm, không lau bằng rượu; nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch nước muối 9%o; đánh răng vài lần trong ngày, thường xúc miệng bằng nước muối loãng; không kiêng cữ quá mức, chú ý cho người bệnh ăn thức ăn giàu đạm và vitamin A để nâng sức đề kháng và bảo vệ mắt, phòng suy dinh dưỡng. Việc cho bệnh nhân uống nước đậu săng thấy cũng làm bệnh nhân mau hết sốt, khỏe người. Theo dõi sát nếu bệnh nhân sốt đột ngột, khó thở, li bì thì nên chuyển ngay bệnh nhân vào viện.
4. Phòng bệnh sởi: Với bệnh nhân sốt phát ban cần đưa đi khám bệnh ngay và thực hiện đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc nhất là biện pháp cách ly. Đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi đi tiêm vắc-xin phòng sởi theo lịch; không đưa trẻ đến nơi đông người nếu không cần thiết, không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh sởi; dọn dẹp nhà cửa thông thoáng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và xúc miệng bằng nước muối loãng; nhà cửa cần dọn dẹp thông thoáng; người chăm sóc trẻ khi đi ngoài cần rửa tay bằng xà phòng và thay áo quần sạch trước khi chăm sóc trẻ.
BS Nguyễn Năm