Phóng viên: Bác sĩ cho biết tình hình bệnh TCM trên địa bàn tỉnh ta hiện nay như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Hiện nay tình hình diễn biến của bệnh TCM ở tỉnh ta rất phức tạp. Tính đến ngày 21-4, toàn tỉnh ghi nhận 267 ca mắc TCM. Đặc biệt trong 2 tháng trở lại đây, số ca mắc bệnh tăng vọt. Nếu trong tháng 1 chỉ ghi nhận 16 ca, tháng 2 ghi nhận 33 ca, thì bước sang tháng 3 tăng lên 101 ca và tháng 4 là 117 ca. Địa phương có số ca nhiễm bệnh cao là Tp. Phan Rang- Tháp Chàm 105 ca, Ninh Phước 76 ca…
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
Phóng viên: Vậy ngành Y tế có khuyến cáo gì để người dân chủ động phòng tránh, xử lý khi trẻ đã bị nhiễm bệnh ?
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Bệnh TCM là do một nhóm virút đường ruột Enterovirus gây nên, lây lan rất nhanh, chủ yếu qua đường tiêu hóa, trực tiếp qua tiếp xúc giữa người bệnh với người lành hoặc lây lan qua vật dụng có dính chất tiết mũi họng, dịch ở các bọng nước, phân của người bị bệnh. Đối tượng thường mắc bệnh là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày. Đến giai đoạn khởi phát diễn ra từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát, xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Đối với trường hợp mắc bệnh thông thường, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 5-7 ngày, tuy nhiên một số trường hợp khác có thể có những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Đến nay bệnh vẫn chưa có vắcxin phòng ngừa. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất đó chính là vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ. Các bậc phục huynh, người trực tiếp chăm sóc trẻ cần rửa thay thường xuyên cho trẻ và chính bản thân bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ… Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, vật dụng gia đình, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường… Ngoài ra, cần thực hiện vệ sinh ăn uống, cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp trẻ để tăng sức đề kháng.
Trong trường hợp phát hiện trẻ mắc bệnh với các triệu chứng như đã nói ở trên, các bậc phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán, điều trị và hướng dẫn phương pháp chăm sóc đúng cách. Đối với trẻ mắc bệnh nhẹ, mức độ 1 (chỉ loét miệng hoặc tổn thương da) không nhất thiết điều trị tại bệnh viện để tránh lây nhiễm mà chỉ cần cách ly, điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế địa phương, tuy nhiên cần phải theo dõi mọi diễn biến bệnh của trẻ. Các trường hợp có biểu hiện bệnh nặng như sốt cao, khó thở… cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị, xử lý kịp thời.
Phóng viên: Bác sĩ cho biết ngành Y tế thực hiện giải pháp phòng chống bệnh TCM như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Hiện nay, ngoài việc cung cấp các tài liệu, tờ rơi, đĩa CD… cho các trạm y tế phân phát cho bà con, thông tin về phương pháp phòng chống TCM trên hệ thống phát thanh của địa phương nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh còn thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các trạm y tế, cơ sở trường học mẫu giáo… tập trung vào các địa phương có số ca mắc bệnh cao về thực hiện phòng chống bệnh TCM tại cơ sở, đẩy mạnh tuyên tuyền phòng chống bệnh trong cộng đồng.
Trung tâm Y tế dự phòng phối kết hợp chặt chẽ với các trạm y tế, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát ca bệnh; nắm chắc tình hình báo cáo kịp thời cho cấp trên để có chỉ đạo xử lý kịp thời tránh bệnh phát triển thành dịch.
Phóng viên: Cám ơn bác sĩ!
UYÊN THU (thực hiện)