Số liệu mới nhất của WHO vào tháng 4/2014 cho thấy, từ năm 2013 đến tháng 4/2014, đã có 172 quốc gia (chiếm 89% các nước trên thế giới) thông báo về dịch sởi và cả thế giới đang nỗ lực chung tay phòng chống dịch bệnh. 11% các quốc gia còn lại chưa công bố các số liệu chính thức do chưa thể kiểm soát tình hình hoặc thống kê chưa đầy đủ, chủ yếu là các nước ở châu Phi.
Theo báo cáo của WHO, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay đã ghi nhận gần 56.000 trường hợp mắc sởi, tại 75 quốc gia trên thế giới. Các nước có số mắc cao trong năm 2014 là Philippines với hơn 17.600 ca mắc và 69 ca tử vong, Trung Quốc với 26.000 ca mắc. Mỗi một giờ trôi qua, trên toàn cầu có 14 trẻ tử vong do sởi.
Năm 2013, dịch sởi đã xảy ra ở 188 quốc gia với gần 175.000 trường hợp mắc. Theo WHO, 95% các trường hợp tử vong do sởi xảy ra ở các nước đang phát triển, kém phát triển. Tỷ lệ này ở các nước phát triển chưa đến 0,1%.
Theo WHO, khu vực đáng quan tâm nhất hiện nay là các nước khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Á và các đảo ở Thái Bình Dương. Riêng trong năm 2013, các quốc gia khu vực này có tổng cộng 16.342 ca mắc bệnh. Việc nỗ lực kiểm soát dịch và khuyến khích toàn dân tiêm vaccine phòng bệnh đã giúp khu vực này giảm tổng số ca bệnh sởi xuống còn 7.442 vào cuối tháng 4/2014.
Dịch sởi ở Philippines được cộng đồng quốc tế chú ý hơn bởi nó không chỉ gây dịch ở trong nước mà nó còn tạo thành "đường lan truyền" ra nhiều nước khác qua khách du lịch. Các cơ quan y tế của Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Anh, Mỹ đã xác nhận có các trường hợp là khách du lịch trở về từ Philippines mang theo virus sởi. Bộ Y tế Singapore cũng vừa thông báo đã có 72 ca nhiễm sởi ở đảo quốc Sư tử, trong đó có đến 23 người từng tới Philippines vào những ngày đầu năm nay. Để đối phó với dịch sởi đang hoành hành, Bộ Y tế Philippines và WHO đang triển khai các hoạt động khống chế dịch bùng phát.
Bộ Y tế Philippines đã phải huy động một lượng lớn nhân viên y tế để tiến hành chiến dịch tiêm phòng sởi quy mô lớn tại những nơi có dịch nhằm ngăn chặn virus lây lan. Bên cạnh đó, giới chức Philippines cũng cho hay, họ vẫn đang thực hiện chiến dịch mở rộng chương trình tiêm chủng nhằm hướng tới mục tiêu tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi trên khắp nước sẽ được tiêm vaccine phòng bệnh sởi đầy đủ. Vaccine phòng bệnh sởi được tiêm miễn phí tại tất cả các trung tâm y tế trên toàn quốc.
Tại châu Phi, diễn biến sởi vẫn tiếp tục tăng cao và khó lường. Trong năm 2013, con số mắc bệnh đã vượt xa các châu lục khác trên thế giới với tổng cộng 104.806 ca. Riêng 4 tháng đầu năm 2014, số trường hợp công bố nhiễm sởi là 12.125 ca. Các ổ dịch vẫn đang tiếp tục bùng phát tại các vùng như Namibia, Mozambique, Nam Phi, Zambia, Zimbabwe, Ethiopia và Kenya.
Không chỉ các nước đang phát triển, tại nhiều nước phát triển, dịch sởi cũng bùng phát trở lại. Tại Mỹ, hiện đã có 129 ca bệnh. Dù đã công bố thanh toán dịch sởi từ năm 2000, nhưng năm 2013 Mỹ lại hứng chịu sự càn quét của virus này. Năm 2013, sởi đồng loạt khởi phát tại Columbia, NewYork, Bronx với 174 trường hợp nhiễm bệnh, gấp 3 lần mức trung bình (60 ca/năm) trong vòng 10 năm. Lý giải cho sự chậm trễ trong việc xử lý và kiểm soát các ca bệnh, báo chí nước này cho rằng, các nhân viên y tế tin tưởng bệnh sởi đã được thanh toán hoàn toàn từ năm 2000 và trở nên lúng túng khi không nhận biết ra sớm các dấu hiệu bệnh từ giai đoạn đầu để thực hiện cách ly.
Samuel Katz, Chủ tịch danh dự Khoa Nhi của Trường dược Duke đồng thời là người đã tham gia phát triển vaccine phòng bệnh sởi nhận định, việc nước Mỹ đang bị "tấn công" bởi virus từ các nước Cựu lục địa cho thấy công tác tiêm chủng tại các quốc gia này chưa thực sự hiệu quả. Một nguyên nhân nữa là từ khi thanh toán dịch cách đây 14 năm, các bác sĩ trẻ tại Mỹ đã có ít kiến thức thực tế về căn bệnh này cũng như cách điều trị.
Các nước châu Âu cũng đang phải đối mặt với bệnh sởi. Tại Đức, có ít nhất 1.772 trường hợp, tăng gấp 10 lần so với số ca bệnh được phát hiện vào năm 2013. Hà Lan có trên 2.499 ca bệnh sởi. Italy đã công bố ít nhất 2.216 ca nhiễm bệnh, trong đó riêng ở Milan là 350 ca. Ukraine có 12.746 trường hợp. Nhiều quốc gia khác như Australia, New Zealand, Ireland, Ba Lan, Pháp, Tây Ban Nha... có xu hướng tiếp tục tăng ca nhiễm bệnh.
WHO khẳng định, dịch sởi bùng phát ở phạm vi rộng lớn trên toàn thế giới, một phần do quy định về tiêm chủng tại nhiều quốc gia chưa được người dân quan tâm đúng mức. Do đó, WHO đang nỗ lực phối hợp cùng các nước thực hiện việc mở rộng tiêm chủng miễn phí trên diện rộng.
Trong lúc dịch sởi xuất hiện trở lại tại nhiều quốc gia, các nhà khoa học Mỹ cho biết đã đạt bước đột phá trong việc chế tạo một loại thuốc uống có thể chống lại bệnh sởi. Qua thử nghiệm trên loài chồn sương, loại thuốc có tên gọi ERDRP-0519 có thể ngăn chặn được virus sởi sao chép. Nếu được điều chế thành công, loại thuốc này nên được uống trước khi xuất hiện các triệu chứng, khi virus sởi đang trong quá trình sao chép.
Về việc phòng bệnh, tại các nước phát triển, hệ thống y tế gần như là miễn phí và các bậc phụ huynh rất chú trọng đến việc tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm cho con cái.
Ngoài ra, tại một số nước như Singapore, chính phủ còn đấu tranh với các bệnh truyền nhiễm bằng luật pháp. Tại nước này, cha mẹ và người bảo hộ bị buộc phải tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ trong khoảng thời gian trẻ từ 1 đến 2 tuổi. Những người không thực hiện quy định lần đầu tiên sẽ bị phạt 500 USD và mức phạt sẽ tăng lên thành 1.000 USD ở lần vi phạm thứ 2 trở đi.
Theo WHO, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của virus sởi trên thế giới. Một trong những nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát, thậm chí ở cả những quốc gia đã xóa sổ hoàn toàn căn bệnh này, là do các bệnh nhân mắc sởi đã không được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tiêm chủng- vẫn là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất hiện nay.
Sởi, một căn bệnh tưởng chừng đã được thanh toán hoàn toàn, lại đang quay trở lại và vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, cho dù đã có vaccine phòng chống. Các hoạt động đi lại toàn cầu, sự chủ quan của người dân trong việc tiêm phòng dịch và thậm chí sự chủ quan của ngành y tế một số nước- thậm chí nước phát triển- đã khiến dịch sởi lây lan trong cộng đồng.
Nguồn Chinhphu.vn