Điểm mới vụ đông-xuân và khuyến cáo vụ hè-thu

(NTO) Trong vụ đông-xuân năm nay, dù lượng nước tại các hồ đập trên địa bàn giảm xuống rất lớn so với cùng kỳ năm trước, nhưng toàn tỉnh vẫn gieo trồng diện tích 24.232 ha (vượt 4,3% kế hoạch), trong đó có 15.997 ha lúa (vượt 6,9% kế hoạch). Đó là nhờ sự nỗ lực khắc phục khó khăn của bà con nông dân, sự hợp tác chặt chẽ giữa Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh với chính quyền địa phương các cấp trong việc điều tiết nước tưới cho sản xuất, khắc phục kịp thời tình trạng khô hạn cục bộ.

Nếu so với vụ đông-xuân 2012-2013, có thể thấy sự vượt trội của vụ đông-xuân 2013-2014 về tổng diện tích gieo trồng (vượt 5,1%) và cả về diện tích lúa (vượt 7%). Thực ra, khó khăn nước tưới chỉ diễn ra trong tháng cuối vụ, còn ngay từ đầu vụ đã thuận lợi nhờ lượng nước được bổ sung khá lớn từ mùa mưa năm 2013, hầu hết các hồ đập trên địa bàn tỉnh ở mức cao. Đặc biệt lưu lượng xả nước theo kế hoạch được thỏa thuận từ hệ thống thủy điện Đa Nhim đã đáp ứng đầy đủ nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Kết quả thu hoạch các trà lúa đầu, năng suất ước đạt 6,316 tấn/ha, tăng 0,23 tấn/ha. Đồng chí Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: Tuy tình trạng gieo muộn, gieo ngoài kế hoạch vẫn còn xảy ra, nhưng nhìn chung trong vụ đông-xuân đã có những điểm mới đáng phấn khởi. Trong đó, đáng chú ý là việc áp dụng mô hình sản xuất “1 phải, 5 giảm” được tiếp tục nhân rộng với quy mô trên 1.200 ha, tăng 800 ha so với vụ hè thu 2013, trong đó tập trung nhân rộng 1.149 ha tại huyện Ninh Phước, 48 ha ở huyện Thuận Bắc, đã giúp năng suất lúa tăng bình quân từ 0,6 đến 1 tấn/ha. Ngoài ra còn có mô hình sản xuất lúa sạch với quy mô diện tích 50 ha do nông dân xã Phước Hữu (Ninh Phước) thực hiện. Qua đó cho thấy các địa phương đã quan tâm hơn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chỉ đạo sản xuất có kế hoạch và chặt chẽ hơn.

 
Nhờ điều tiết nước hợp lý, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) duy trì đủ nước tưới cho cây lúa và phục vụ chăn nuôi trong vụ đông-xuân.

Bước chuyển dịch mạnh mẽ đối với cây lúa thể hiện rõ ở Ninh Phước, huyện trọng điểm nông nghiệp của tỉnh. Theo đồng chí Thiên Nhàn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, hiện nay lúa canh tác theo mô hình “1 phải, 5 giảm” sinh trưởng và phát triển tốt, đang giai đoạn chín chắc và chuẩn bị thu hoạch, ước năng suất bình quân trên 7 tấn/ha. Ninh Phước đang có kế hoạch tiếp tục nhân rộng mô hình trên trong vụ hè-thu sắp tới với diện tích 2.000 ha. Cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, vụ đông xuân năm nay của tỉnh ta còn được đánh giá khá an toàn về tình hình sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây trồng. Tuy trên những diện tích lúa gieo cấy mật độ dày, bón phân không cân đối (thừa đạm), cũng xuất hiện sâu bệnh gây hại mật độ thấp với diện tích 833 ha, nhưng đã giảm 45,6% so với cùng kỳ, đặc biệt đã không xuất hiện rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Ngành NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tập trung hướng dẫn cách phòng trừ tích cực, hạn chế thiệt hại cho người dân. Về tình hình tiêu thụ lúa nói riêng và nông sản nói chung như bắp giống, nho, táo tương đối thuận lợi, riêng lúa giống đã giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập. Nhìn chung, vụ lúa đông-xuân năm nay thắng lợi với sản lượng ước đạt 101.048 tấn, tương ứng 41,03% kế hoạch năm và tăng 10.421 tấn so với cùng kỳ.

Tuy nhiên theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, xét trên tổng thể, trong vụ đông-xuân này, tốc độ chuyển đổi cây trồng vẫn còn chậm, nông dân chưa mạnh dạn nhân rộng mô hình luân canh trên nền đất lúa và việc quan hệ phối hợp “bốn nhà” vẫn chưa đồng bộ. Đáng nói là vẫn còn địa phương sử dụng lúa thịt để làm giống, chưa chấp hành triệt để lịch thời vụ, gây khó khăn về quản lý dịch hại trên cây trồng và trong việc điều tiết nước tưới cho sản xuất trong mùa khô hạn. Vì vậy để chuẩn bị bước vào vụ sản xuất hè-thu trong điều kiện phụ thuộc vào lưu lượng xả của hệ thống thủy điện Đa Nhim và nước tích ở các ao hồ đang giảm nhanh, trước hết phải khắc phục các hạn chế vừa nêu. Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT, dự kiến vụ hè-thu toàn tỉnh gieo trồng tổng diện tích 20.800 ha, bao gồm 11.464 ha lúa, 4.018 ha bắp, 4.513 ha cây thực phẩm, 141 ha cây công nghiệp ngắn ngày, 465 ha cỏ chăn nuôi và 213 ha cây trồng khác. Như vậy so ra chỉ thấp hơn vụ đông-xuân trên 3.000 ha.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài vùng tưới thuộc hệ thống Nha Trinh-Lâm Cấm, vùng tưới hệ thống hồ Tân Giang, hồ Sông Biêu (Thuận Nam) và hệ thống kênh Bắc (Thuận Bắc) vẫn gieo trồng theo kế hoạch lịch thời vụ, các diện tích còn lại ở các hồ đập trong tỉnh phải dừng sản xuất vì mực nước giảm không đủ tưới. Và để chủ động đối phó tình hình khô hạn, Sở NN&PTNT nhấn mạnh các địa phương có sản xuất vụ hè-thu cần tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, giảm diện tích lúa, tăng diện tích màu, đậu các loại và cỏ chăn nuôi sử dụng ít nước. Đặc biệt tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn hán như: Tưới phun, xen canh, luân canh có sử dụng vật liệu giữ ẩm để tiết kiệm nguồn nước, tưới luân phiên giữa các đập, kênh, cống trong hệ thống, xứ đồng.