Heo đen nuôi trong chuồng tại nhà chị Pi-năng Thị Trệ, thành viên tổ nuôi heo đen thôn Suối Đá.
Tổ nuôi heo đen thôn Suối Đá có 20 thành viên, được coi là nhóm đồng sở thích nuôi heo đen duy nhất ở huyện Thuận Bắc. Từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ tam nông tỉnh, DASU Thuận Bắc đã hỗ trợ 120 con heo giống (mỗi hộ 6 con) và hỗ trợ 50% tiền xây dựng chuồng trại, 40% tiền mua thức ăn. Tham gia tổ nhóm, mỗi hộ chỉ phải đóng 780 ngàn đồng để mua con giống. Đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng DASU Thuận Bắc cho biết: “Khi hay tin sự cố về con giống, cán bộ chuyên trách DASU và Ban Phát triển xã đã kiểm tra, xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phục nhanh chóng, đến nay đã có 35 con heo đen giống được nhà cung cấp bồi hoàn cho người nuôi có heo chết”. Theo phân cấp từ Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ tam nông tỉnh, việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho các tổ nhóm là trách nhiệm của các DASU huyện, vì vậy DASU Thuận Bắc đang tích cực phối hợp với Ban Phát triển xã theo dõi, đánh giá đúng thực chất tiến độ nuôi heo đen dự án của thôn Suối Đá. Trong thực tế heo đen vẫn là chuỗi giá trị có nhiều ưu thế, rõ nhất là người dân có thể tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có để nuôi.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Duy Tuấn, chủ Trang trại Chăn nuôi, kinh doanh con giống vật nuôi Thành Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) giải thích: “Là nhà cung cấp chính nguồn heo đen giống cho tổ nuôi heo đen Suối Đá, đây là giống heo bản địa được trang trại chọn lựa, thu mua ngay tại chỗ rồi phân phối lại. Nhưng vào thời điểm đó, thời tiết chuyển lạnh đột ngột đã làm ảnh hưởng sức khỏe, gây ra cái chết của hàng loạt heo con”. Tuy nhiên dù tranh cãi nguyên nhân, thực hiện đúng cam kết với người nuôi, Trang trại Thành Hải đã bồi hoàn con giống heo đen cho người dân tiếp tục tái chăm sóc mà không đòi hỏi điều kiện gì. Theo đồng chí Võ Chi, từ hiệu quả kinh tế của việc nuôi heo đen thuộc các dự án khác trong thôn Suối Đá, có thể khẳng định việc bổ sung xác định chuỗi giá trị heo đen là một hướng đi triển vọng. Vì vậy sau khi ổn định bồi hoàn giống, vấn đề cần lưu ý là phải duy trì nuôi đúng kỹ thuật cho heo tăng trưởng.
Theo ông Patâuxá Thị, Trưởng thôn Suối Đá, người dân tộc Raglai ở đây đã có trên 90% hộ dân có chăn nuôi heo, nhất là heo đen. Từ đặc điểm nguồn lực đầu tư không lớn, heo đen dễ nuôi và việc hưởng lợi cũng nhanh chóng hơn, nếu ổn định chất lượng con giống, người dân sẽ có cơ hội thoát nghèo bền vững từ sản phẩm này. Thiết nghĩ, với ưu điểm vượt trội của heo đen, vì là giống bản địa đã quen với khí hậu và địa hình, cộng với việc áp dụng phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi mới và là sản phẩm đang có đầu ra ổn định, chắc chắn các thành viên tổ nuôi heo đen thôn Suối Đá sẽ đạt được mục tiêu phát triển chuỗi giá trị đã đề ra.
Bạch Thương