Cái sự được mùa này không phải là "trời cho" mà là kết quả của quá trình đổi mới bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất như áp dụng mô hình tiên tiến từ "3 giảm, 3 tăng" sang "1 phải, 5 giảm", kèm theo đó là phòng trừ sâu bệnh đúng cách vừa giảm chi phí, vừa giảm "ngộ độc" cho cây trồng... Theo dự ước của ngành nông nghiệp, vụ đông-xuân năm nay các nông hộ trong tỉnh thu hoạch trên 101 ngàn tấn lúa, tăng trên 10,4 ngàn tấn so với cùng vụ năm trước. Đây quả là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều nông hộ vẫn chưa "thoát ra" được nỗi lo cũ đó là điệp khúc "được mùa lại mất giá" vẫn tiếp diễn. Cụ thể: đầu vụ giá lúa hạt tròn bình quân 6.300 đồng/kg, hạt dài chênh lệch cao hơn từ 1 đến 2 giá thì sau chưa đầy 1 tháng, lúa thu hoạch rộ đã giảm xuống hơn 10 giá, hiện tại bình quân còn 5.300 đồng/kg lúa hạt tròn và 5.400 đồng/kg lúa hạt dài. Dù vậy, tuy chưa trọn niềm vui nhưng có thể nói "nỗi buồn" đã có phần vơi bớt. Nguyên do nào?
Nông dân thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) thu hoạch lúa vụ đông- xuân 2013- 2014
đạt năng suất bình quân trên 7 tấn/ha. Ảnh: Sơn Ngọc
Qua thực tế tại một số địa phương để tìm câu trả lời, thì ra bà con đã áp dụng công thức có phần "giản đơn": ứng dụng kỹ thuật mới cộng với cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch. Chỉ tính riêng khâu thu hoạch bằng máy gặt liên hợp đã giảm chi phí xuống một nửa so với thu hoạch thủ công như trước đây và còn "lãi" do giảm thất thoát không dưới 20% so với con số 30% nếu thu hoạch thủ công. Chung quy lại, "đầu vào" sản xuất lúa của nhiều bà con đã giảm không dưới 30% khi áp dụng chặt chẽ từ quy trình sản xuất mới và cơ giới hóa. Nhờ vậy, "đầu ra" coi như lãi thêm 30%. Thế nhưng, nhiều bà con cho rằng quan trọng nhất vẫn là giá vật tư, phân bón đừng quá "nhảy múa" làm chóng mặt người sản xuất, còn khi có sản phẩm cũng đừng quá ép giá làm cho nông dân không có đường "lùi". Giữ lúa chờ giá thì không có kho chứa, bán ngay sau thu hoạch thì bị tư thương thao túng!. Đó là chưa nói đến tình cảnh do thiếu vốn đầu tư nên phải mua chịu, vay lãi cao để vừa chi phí cho sản xuất, vừa lo cho cuộc sống qua 4 tháng mùa vụ…
Giải nỗi lo cũ này không dễ nhưng không phải là không làm được nếu như nông dân được tiếp cận thông tin thị trường thông qua tổ chức tập thể như tổ hợp tác hay Hợp Tác Xã để tiêu thụ sản phẩm ổn định như một số địa phương đã làm. Mặt khác, ngành chức năng cần quy hoạch vùng sản xuất lớn để tạo ra lúa hàng hóa đồng giống trong đó có sự hợp tác thiết thực của nông dân...
Mong muốn là vậy nhưng bao giờ hết lo?. Câu trả lời xem ra còn để ngỏ!.
Tuấn Dũng