TRUYỆN NGẮN:

Nhật ký người lính

(NTO) Ngày chủ nhật tôi lang thang đi tìm những điểm bán sách báo cũ để tìm mua một cuốn. Đang đi thì thấy bà mua đồng nát đi qua, nhìn vào giỏ để sau xe tôi thấy rất nhiều sách cũ, tôi gọi bà dừng lại thử tìm một vài cuốn tôi cần. Một quyển sổ khá dày đã cũ rơi ra, tôi tò mò cầm lên giở ra xem qua thì giấy đã ố vàng, nét chữ mực tím đã có chỗ nhoè gần như không đọc được.

Tôi lật lại từ trang đầu của cuốn sổ, một dòng chữ nắn nót được ghi thật đậm trang trọng chính giữa trang giấy “Nhật ký đời lính” phía dưới là dòng chữ viết hoa họ tên người lính, đơn vị, nắn nót rất đẹp ... Tôi vội trả tiền rồi đi thẳng một mạch về ký túc xá, leo lên giường tầng nằm đọc.

Ngày 21 tháng 8 năm 1966: Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ, con không thể nghe theo lời của mẹ để tiếp tục học đại học được vì con rất muốn đi bộ đội. Con biết mẹ sẽ rất buồn, vì ba đã hy sinh, mẹ chỉ có mình con, nhưng con không thể chọn con đường nào khác ngoài con đường mà ba đã đi. Mẹ yên tâm, đánh xong giặc Mỹ con sẽ về tiếp tục học đại học để mẹ vui.

Ngày 23 tháng 8 năm 1966: Sáng nay: con, thằng Cường, thằng Nam con bác Sơn, thằng Đức con chú Hùng đi khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự. Đến phòng cân con sợ mình không đủ cân nên thuê thằng Nam một tô phở nó mới chịu cân dùm. Tổng kết cuối cùng con đạt A2 vậy là con cầm chắc mình trúng tuyển rồi.

Ngày 28 tháng 8 năm 1966: Con nhận được giấy báo trúng tuyển nhưng con không dám cho mẹ biết, sợ mẹ lên uỷ ban xã xin chắc chắn là con sẽ không được đi nên con giấu kín chuyện này. Trong lúc ăn cơm mẹ nói: “Mấy đứa khám bộ đội với con chúng nó đều có giấy gọi nhập ngũ cả rồi, con có tổ chức liên hoan cho tụi nó lên đường không?” Con nói dối mẹ: “Nếu mẹ đồng ý thì con xin mẹ tổ chức sơ sơ cho tụi nó”. Mẹ cười hiền hậu bảo: “Tổ cha anh, anh giống ba anh như đúc. Mai con dậy sớm đi xếp hàng, còn năm lạng thịt tem phiếu mua về làm cơm đãi tụi nó”. Mẹ ơi! Lại một lần nữa con nói dối mẹ, không phải liên hoan tụi nó đâu mà mẹ đang tiễn con trai mẹ đi nối nghiệp của ba đó.

Ngày 4 tháng 9 năm 1966: Ngày mai con lên đường, điều này thì con không thể giấu mẹ được rồi, con phải nói với mẹ thôi, nhưng nói lúc nào thì con vẫn còn lượng lự. Đã chín giờ tối rồi mà con vẫn chưa mở lời được với mẹ. Thấy con khác thường mẹ gặng hỏi: “Sao giờ con vẫn chưa đi ngủ?”. Con mạnh dạn hỏi: “Mẹ ơi! Đất nước còn giặc, làm trai phải đi đánh giặc liệu mẹ có cho con đi bộ đội không? Mẹ mắng yêu con: “Cha anh! Ba anh đi mẹ còn chả níu chân nữa là anh. Sao con hỏi mẹ câu đó?”. Con đã mừng quýnh lên ôm lấy cổ mẹ mà gào lên rằng: “Đấy mẹ nói nghen, mẹ không được đổi lời, con báo cho mẹ tin vui đây, sáng mai con lên đường nhập ngũ rồi, mẹ mừng cho con đi”.

Ngày 5 tháng 9 năm 1966: Trời lất phất mưa mẹ tiễn con ra đến đầu làng, tay mẹ vẫy vẫy mà mặt mẹ không dám nhìn thẳng vào con. Cầm nắm cơm nếp mẹ đưa còn nóng hổi, con biết suốt cả đêm qua mẹ đã không chợp mắt. Con cũng có sung sướng gì hơn mẹ đâu vì làm trai khi vận nước lâm nguy mà không cứu nước thì không biết lúc nào mới có cơ hội, con thương mẹ ở nhà một mình không ai chăm sóc nên con xin phép mẹ cho gác lại chữ hiếu để giữ lấy chữ trung với nước, xin mẹ đừng buồn.

Ngày 20 tháng 9 năm 1966: Thì ra vào quân đội không phải như mình tưởng, ban quân nhu phát cho mỗi người: 2 bộ quần áo màu tô châu, một đôi dép cao su, một đôi giày, hai chiếc áo lót ba lỗ, một chiếc bi đông Trung Quốc, một tăng, một võng, một màn một và chiếc bát ăn cơm B52 (chiếc bát ăn cơm lớn nên lính gọi như vậy)… và phụ cấp một tháng năm đồng. Lính mới vui như hội, ai cũng có áo quần mới, sung sướng hơn lại có hai con tem thư quân nhu phát không mất tiền mua. Mai mình sẽ ghi thư cho mẹ và Hồng, nhờ Hồng chạy qua, chạy về với mẹ cho vui.

Ngày 23 tháng 9 năm 1966: Đơn vị bắt đầu huấn luyện, mỗi người phải tập mang ba lô nặng trên ba mươi ki lô gam, tập leo núi không kể nắng hay mưa. Mình đã nhiều lần té lên té xuống nhưng trung đội trưởng khuyến khích: “Đổ mồ hôi nơi thao trường thì bớt đổ máu ở chiến trường”, nghe vậy mình lại hăng hái hơn lên. Tối đó đơn vị đóng quân ở trong rừng, anh nuôi cho ăn cơm nấu bếp Hoàng Cầm, canh rau muống.

Ngày 22 tháng 12 năm 1966: Mình chưa bao giờ được ăn một bữa thịt mỡ khoái như ngày hôm nay, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Mình thấy ở lính tập luyện gian khổ nhưng ăn uống lại đầy đủ, tình cảm đồng đội rất thương yêu nhau như anh em ruột thịt.

Tối ngày 1 tháng 1 năm 1967: Báo động hành quân, ai cũng nghĩ là báo động hành quân dã ngoại như mọi hôm nên đứa nào đứa ấy chỉ kịp mang theo những tư trang cần thiết để hành quân, còn các thứ không quan trọng lắm thì để lại ít hôm lại về lấy không sao. Nhưng tất cả chúng tôi không ngờ rằng đó là đêm cuối cùng chúng tôi chia tay với mảnh đất huấn luyện. Tiếng tiểu đội trưởng nói rất nhỏ đủ để cả tiểu đội nghe: “Đại đội chúng ta được lệnh đi B”. Tôi nghe được hai tiếng đi B lòng rộn ràng vui khó tả, thế là mình sắp được về quê nội, được góp sức mình giải phóng quê hương.

Ngày 23 tháng 1 năm 1967: Mấy ngày đơn vị tranh thủ hành quân gấp rút phần lớn là hành quân đêm để tránh máy bay Mỹ ném bom. Đêm nay đơn vị phải vượt phà sông Gianh nhưng khi phà ra giữa dòng thì máy bay Mỹ đến thả pháo sáng và ném bom, mình nghĩ bụng chắc khó thoát nỗi trận oanh tạc này, nhưng không sao. Đúng là mấy thằng phi công Mỹ chúng nó có mắt như mù, đến ném bom toạ độ rồi chuồn thẳng. Lần đầu tiên mình được một phen hú vía.

Ngày 15 tháng 2 năm 1967: Đơn vị đã hành quân sâu vào đường mòn Hồ Chí Minh, đây là đoạn đường cam go và ác liệt, B52 rải thảm liên tục, nhất là đoạn đồi cô đơn này. Tiểu đoàn chia lẻ ra hành quân từng đại đội, để hạn chế thương vong khi máy bay B52 rải thảm bom. Chúng tôi đã có giao liên dẫn đường, Trường Sơn Đông vui hơn tôi tưởng. Mỗi lần đi qua một cung đường là có một đơn vị TNXP hay dân công hoả tuyến, cô nào cũng trẻ đẹp xinh gái tíu tít chào hỏi đồng hương, hỏi thăm tình hình ở hậu phương cứ tíu ta, tíu tít... Mình thấy trong lòng rộn lên một niềm vui, niềm tự hào khó tả, thì ra tuổi trẻ của cả nước đã hội tụ về với Trường Sơn để góp phần giải phóng dân tộc.

Ngày 20 tháng 3 năm 1967: Mình nghe trung đội trưởng bảo là đã vào sâu phần đất B3, nghe thì biết vậy chứ mình biết đó là đâu vì ở rừng sâu khó mà phân biệt được đây là đâu. Đại đội lúc đầu là chín chục người, hơn ba tháng hành quân, quân số đơn vị còn lại 65 người phần do bị bom hy sinh, phần bị thương, số còn lại thì bị bệnh sốt rét nằm lại tại các binh trạm, cũng may là mình vẫn là hạt gạo trên sàng. Mình thương nhất là thằng Tâm lên cơn sốt rét ác tính, đơn vị cử người thay nhau khiêng nhưng nó khăng khăng không chịu, nó nói: “Anh em đã hơn ba tháng trời đi bộ, mang vác nặng, nay lại phải khiêng nó thì thật không nên tý nào, hãy để nó nằm lại cứ mắc võng cho nó là được. Nhưng chính trị viên đại đội không cho phép mà tiếp tục cáng đi không ngờ nó chết trên cáng lúc nào không hay. Đơn vị dừng lại chôn cất, làm lễ truy điệu cho nó xong mới hành quân. Vừa mới đi được khoảng một ki lô mét thì phỉa trước B52 rải thảm, nếu đơn vị không dừng lại chôn cất Tâm thì cả đơn vị đã bị bom B52 "xơi" trọn gói. Tiếng thằng Thắng xuýt xoa: “Thằng Tâm nó linh thiêng thật, cứu đơn vị mình một bàn thua trông thấy”.

Ngày 1 tháng 5 năm 1967: Hành quân mãi rồi cũng đến lúc về đến nơi cần đến, mình được bổ sung cho Mặt trận B3. Anh Thành lính gạo cội ở đây nói nhỏ vào tai tôi: “Chú em nên nhớ câu này: ăn thì B1, ngủ thì B2, chạy hoài thì B3”. Mình ngạc nhiên hỏi: “Tại sao vậy anh”. Anh trả lời tự nhiên: “B3 là chiến trường ác liệt nên thường bị máy bay chúng nó oanh tạc bỏ bom…. Tớ nói vậy chú em hiểu rồi, ở đây đánh nhau mà đứa nào nhát gan là chết trước, cứ xông lên phía trước, đã là lính thì sống chết biết đâu mà lường, bom đạn tránh mình chứ mình làm sao tránh nỗi bom đạn. Chết cũng có số cả đấy chú ạ”.

Cuốn nhật ký không biết đã bị ai xé mất đi một số trang chỉ còn lại những trang cuối cùng được anh viết vội khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh khiến cho tôi luyến tiếc vô cùng. Tôi chăm chú đọc tiếp.

Ngày 15 tháng 2 năm 1975: Đêm nay tổ tam tam bọn mình gồm có mình, anh Thành, anh Tú đi xuống cơ sở, vì có anh Thành nên mình rất vững tâm, vì anh đã quen địa bàn ở đây như lòng bàn tay, không nơi nào mà anh không biết. 1 giờ sáng bọn mình lọt vào ổ phục kích của địch, chúng nhả đạn xối xả. Nghe tiếng anh Thành ới lên một tiếng đau đớn mình bò đến nơi thì thấy anh Tú đã hy sinh, còn anh Thành thì bị thương nặng giữa ngực. Tiếng anh thì thào: “Em rút lui đi để mặc anh đánh lạc hướng chúng tuyệt đối đừng để nó bắt được” tiếng anh yếu dần. Mình không thể để anh nằm lại đây được vội trườn kéo anh Tú xuống mép nước phủ bèo tây lên rồi quay lại cõng anh Thành men theo con rạch nước tìm đường về đơn vị. Không hiểu sức mạnh ở đâu mà mình đã làm được cái điều phi thường đó, hay là anh Tú đã giúp mình để cứu đồng đội. Nhưng anh Thành đã không qua nỗi.

Đêm 20 tháng 3 năm 1975: Đêm nay con lại nhớ và nghĩ về mẹ, mẹ biết không những đồng đội thân yêu nhất của con có nhiều người đã hy sinh, nhưng con tin họ không bao giờ chết cả, chính các anh ấy đã làm sống dậy trong con lòng dũng cảm, con nghĩ anh Thành nói có lý: bom đạn tránh mình chứ mình không thể nào tránh nỗi bom đạn. Mẹ đừng cho con là nói dại, nếu con hy sinh cũng anh dũng như họ, là người lính thì có hai sự lựa chọn: “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”, con tin sự hy sinh của người lính chính là sự được mất của dân tộc. Nếu một ngày nào đó con mẹ cũng như bao người lính khác đã ngã xuống cho tự do độc lập thì mẹ đừng buồn mẹ nhé, mẹ hãy vui vì con lại được gặp ba. Nói vui với mẹ vậy thôi, con mẹ sẽ trở về khi đất nước khải hoàn và sẽ lấy vợ sinh cháu nội cho bà vui chớ. Con có lệnh đi chiến dịch rồi đây... chào mẹ!

“Bích ơi! Làm gì trên ấy mà không xuống đi ăn cơm” tiếng Loan gọi đã đánh thức tôi ra khỏi cuốn nhật ký của người lính. Tôi đánh dấu trang bằng một mẫu giấy rồi gập lại, ăn cơm xong về tôi sẽ đọc tiếp. Vừa đi tôi vừa nghĩ về số phận của người lính trong nhật ký tôi đã đọc. Hàng loạt câu hỏi cứ hiện lên trong đầu, làm cho tôi càng thêm yêu mến và kính trọng người lính ấy vô cùng.