Như một thông lệ, mẹ tôi tự dựng nên để bó buộc mình, từ ngày còn làm ruộng khoán cho hợp tác xã hay mãi tận sau này, cuối mỗi mùa vụ mẹ tôi đều tích trữ phần thóc đủ ăn qua cả những ngày giáp hạt đón chờ vụ mới. Thậm chí bà đều dành phần cho dư dả đôi chút để lường trước những biến chuyển của thời tiết, mùa màng.
Ảnh: CTV
Rồi cuộc sống có nhiều đổi thay, việc mua đi bán lại thóc gạo đã trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều. Người miền Trung xứ mình có thể ăn được những bát cơm nấu bằng gạo nàng Hương, chợ Đào… đưa về từ miền Tây trù phú. Mấy chị em tôi thường khuyên mẹ bán hết số lúa sau mỗi vụ gặt, lấy tiền làm việc khác, rồi mua vài ba ký gạo mới tinh ăn dần, hết lại mua tiếp. Như thế cơm vừa thơm, vừa ngon. Bà ậm ừ, nhưng vẫn không thay đổi thói quen cũ. Bà không lo là sẽ tiêu hết phần tiền mua gạo, mà vì bà đã quen với hương vị của thứ gạo “lúa cũ” đồng nhà (lúa gặt lên để lâu ngày, từ 2 đến 3 tháng)
Tôi đi học rồi ở lại làm việc hẳn ở TP.Hồ Chí Minh. Cơ hội ăn thứ cơm gạo “lúa cũ” của mẹ tôi thưa dần. Thay vào đó, vị giác dần bắt nhịp với thứ gạo mềm, dẻo và thơm phức của nhiều chủng loại gạo Sài gòn (cách người quê gọi tên cho loại gạo được sản xuất từ đồng bằng sông Cửu Long). Mỗi lần có dịp về thăm nhà, tôi lại thuyết phục mẹ chuyển sang ăn gạo “lúa mới”. Lần nào, bà cũng bảo: “Tao quen rồi, tao thích ăn “gạo mình”. Nó khô, ráo hột “cum”. Thơm thơm, ngọt ngọt”. Tình thiệt, đâu phải ai cũng cảm nhận được vị ngọt trong từng bát cơm khô khô, ráo ráo kiểu như mẹ tôi vậy.
Những lần tôi về thăm nhà sau này, thương con, bao giờ bà cũng chuẩn bị sẵn vài ký gạo mềm, dẻo mà tôi thích. Hôm thì bà nấu gạo này cho cả nhà ăn chung. Hôm thì bà độn với thứ gạo “lúa cũ” cho đỡ khô. Đến khi nhớ quá, bà chia làm hai nồi, một cho mình, một cho đám con “xa quê riết rồi đổi cái miệng”. Thiệt tình, khó mà hiểu cho được tận cùng vì sao mà mẹ tôi “chung tình” với gạo “lúa cũ” như vậy.
Tôi sang Nhật Bản du học thắm thoát cũng hai năm. Có điều, tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu kỹ hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây như lời nhắn gởi của những người bạn quê. Một phần, đó không phải là chuyên ngành nghiên cứu của tôi. Một phần là nhiều lần đăng ký homestay đến vùng nông thôn nhưng danh sách gia đình đón khách đều ở…thành phố. Nhưng có lẽ, ấn tượng trước hết về nông nghiệp Nhật Bản mà tôi được biết chính là thành tựu về giống cây trồng của họ.
Điển hình là gạo Nhật Bản: Chủng loại đa dạng, nhưng tất cả đều ngon đến cực độ. Bạn bè tôi, cả Việt hay bất cứ nước nào khác cũng đều không tiếc lời khen. Đắt tiền, những cũng đáng với những bát cơm vừa mềm, vừa dẻo, vừa thơm, lại vừa đảm bảo chất lượng và thành phần dinh dưỡng.
Cũng như ở quê, mỗi lần ra chợ, tôi lại tần ngần trước nhiều thứ gạo với giá sàng sàng ngang nhau. Một lần, tôi hỏi nhờ một người phụ nữ Nhật đang mua hàng như cách để thoát khỏi sự bối rối, lẫn “bấn loạn”. Bà giải thích một hồi về từng loại rồi tư vấn cách chọn gạo khá cặn kẽ. Nhưng cuối cùng, bà kết luận: Có lẽ đây là loại nên mua nhất, vì chúng được sản xuất ở đây. Bà nói và chỉ tay vào các túi gạo được sản xuất ở tỉnh Aichi (nơi chúng tôi đang sống). Tôi nghe lời bà, bắt đầu cho phép thử của mình. Rồi bất chợt giật mình khi một sự liên tưởng chạy thoáng qua trong đầu.
Đôi khi, tự cười nhạo mình về những suy nghĩ quẩn quanh, gắn kết cảm tính. Nhưng liệu chăng, có điều gì đó, chẳng hạn là “cái chất nguyên thuỷ” của thứ gạo nơi vùng mình sinh sống mà mẹ tôi từng nói, đã níu giữ cho sự lựa chọn tựa hồ như vậy?
Tôi vẫn chưa khẳng định được căn nguyên trong sự lựa chọn kiên định của mẹ mình, dù đôi lúc cũng đinh ninh này nọ. Nhưng tôi rất hiểu vì sao mình lại đóng đinh với gạo Aichi từ đó cho đến giờ. Chất lượng, chắc chắn đó là chất lượng.
Nhưng với người nông dân Nhật, họ có cần thêm điều gì chăng?
Một lần đến trường, tình cờ tôi ngồi chung toa tàu điện ngầm với vị giáo sư kinh tế của trường. Biết tôi đến từ Việt Nam, ông hỏi tôi về gạo. Trước tiên, ông muốn biết đánh giá của tôi về gạo Nhật. Tôi thành thật chia sẻ thẳng thắn điều mình nghĩ, biết. Ông khá bất ngờ khi nghe tôi khen gạo Nhật rất ngon. Ông nói: Nhưng Việt Nam rất nổi tiếng về gạo. Tôi biết. Và đương nhiên tôi cũng đã từng ăn những giống gạo ngon của Việt Nam. Nhưng đâu phải vì vậy mà gạo Nhật không ngon, không hấp dẫn, thậm chí là ngược lại.
Nghĩ vậy, nhưng tôi hiểu điều trăn trở của ông trong câu chuyện này.
Hẳn nhiên, với những khó khăn của mình, Nhật Bản là quốc gia vẫn thường xuyên nhập khẩu gạo từ bên ngoài, trong đó có cả gạo Việt Nam (tuy không nhiều). Nhưng điều kỳ lạ là trong các siêu thị ở đây, tôi chỉ thấy người ta bán gạo Nhật. Vị giáo sư cũng không có đủ thông tin chính xác nước mình sử dụng gạo nhập khẩu để sử dụng cho việc gì là chính. Nhưng ông cho biết, Nhật Bản cố gắng tự mình có đủ gạo để đáp ứng nhu cầu của người dân. Và đương nhiên, Chính phủ sẽ phải có những đảm bảo nhất định cho những người trồng lúa ở xứ sở này.
Phải chăng điều này chính là một bảo đảm cho sự lựa chọn ở trên. Và kéo theo cả câu chuyện dài rộng tiếp sau…
Tôi, lúc này, thì đang mơ tưởng về sự kiên định trong lựa chọn của mẹ mình với bữa cơm từ “lúa cũ” đồng nhà từ quê xa…
Nagoya, Nhật Bản
Trọng Hiểu