Phim đến từ kỷ niệm thời sinh viên
PV: Cơ duyên nào để anh chọn Ninh Thuận làm bối cảnh chính của phim “Dấu chân du mục” mà anh tâm huyết?
- Đạo diễn Đinh Thái Thụy: Khoảng gần cuối năm 2003, khi còn là sinh viên năm thứ hai trường Đại Học KHXH&NV, tôi có dịp về “khám phá” Ninh Thuận với một người bạn học cùng lớp. Sẵn có máu phiêu lưu, chúng tôi lang thang khắp nơi, vừa ngoạn cảnh vừa kết hợp viết một bài báo phản ánh về nạn đào phá rừng, lấy cây cảnh trái phép ở những vùng đồi núi và hoang mạc thuộc Ninh Thuận. Ấn tượng mạnh trong mắt tôi là những cánh đồng muối rộng lớn, sáng phẳng, những cánh đồng nho xanh mượt trải dài và đặc biệt những đồi hoa bằng lăng tím ngắt như một tấm thảm trải rộng giữa hoang mạc hút tầm mắt. Tôi thực sự ngẩn ngơơ trước thiên cảnh này.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy với “Dấu chân du mục” tại Ninh Thuận.
PV: Câu chuyện phim, được biết cũng do anh viết, có liên quan gì đến những kỷ niệm ngày ấy của anh với vùng đất này?
- Đạo diễn Đinh Thái Thụy: Khi đi qua một làng “du mục” ở chân núi Đá Bạc ở vùng Quán Thẻ, tôi nhớ là thế, nhìn thấy những đàn cừu, đàn dê đang thong dong giữa những cánh đồng cỏ rộng lớn, những đứa trẻ du mục nô đùa với những chú dê con tạo nên một cuộc sống bình dị giữa hoang mạc yên bình. Tất cả những hình ảnh đó cứ như bức tranh lặp lại trong đầu tôi suốt chuyến đi, cả khi trở về thành phố. Tôi nói với người bạn mình: “Quê mày đẹp quá! Một nét đẹp bình dị, hoang dại như đã gặp đâu đó trong những bộ phim cao bồi của Mỹ”. Tôi hình thành ý tưởng sẽ viết một tiểu thuyết lấy bối cảnh nơi đây và rồi bắt đầu ấp ủ nó…
PV: Anh có thể “bật mí” một chút về câu chuyện phim?
- Đạo diễn Đinh Thái Thụy: Như đã nói ở trên, tôi ấp ủ ý tưởng sẽ viết một tiểu thuyết nhưng rồi chưa kịp thực hiện thì tôi thi vào học trường Điện Ảnh. Cái ý tưởng viết tiểu thuyết đó nhanh chóng trở thành ý tưởng viết kịch bản phim truyện. Đến năm 2007 thì đề cương kịch bản phim “Dấu Chân Du Mục” hình thành. Tôi đã đem chào mời đến một số nhà sản xuất nhưng không khả thi, phần vì đây là một đề tài tốn kém kinh phí khi sản xuất phim, phần vì khi đó tôi mới ra trường bước vào nghề nên chưa tạo được niềm tin đối với nhà sản xuất.
Lấy bối cảnh nghề chăn nuôi gia súc ở sa mạc làm phông nền. Câu chuyện phim nói về tình yêu của một chàng trai mồ côi thất lạc gia đình từ nhỏ, sau khi trả xong mối thù của gia đình anh tìm về sa mạc ẩn mình với cuộc sống du mục. Ở đây anh đã nảy sinh mối tình với cô gái câm, chính là đứa con gái duy nhất của người cha nuôi mà anh đã kết nghĩa từ 5 năm trước ở một bãi đào vàng. Tình yêu của họ cứ lớn dần khi chàng trai vừa phải lẩn trốn pháp luật, tránh né sự truy sát của kẻ thù, vừa phải thích nghi với cuộc sống khó khăn ở sa mạc. Nếu không có gì thay đổi thì bộ phim sẽ được phát sóng vào tháng 8 năm 2014 trên kênh VTV3 của đài truyền hình Việt Nam.
Không ngờ Ninh Thuận đẹp và lạ đến thế!
PV: Trong quá trình làm phim, được biết anh đã dọc ngang Ninh Thuận để tìm bối cảnh, anh đánh giá cảnh quan và cả con người Ninh Thuận thế nào?
- Đạo diễn Đinh Thái Thụy: Những ngày đầu chúng tôi đã đi khảo sát bối cảnh ở hầu hết các huyện, xã thuộc Ninh Thuận. Cuối cùng chốt lại bối cảnh chính của phim được trải rộng trên địa bàn 3 huyện: Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam và một số ở thành phố Phan Rang. Bãi chăn thả chính trong suốt 35 tập phim được quay chủ yếu ở khu vực Sơn Hải và Mũi Dinh. Ngay từ đầu chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các ban, ngành ở Ninh Thuận: UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh Ninh Thuận… cùng đông đảo người ở các địa phương có bối cảnh của phim. Có một điều đặc biệt khi tôi về các vùng quê làm phim là đều có rất đông người dân hiếu kỳ tới xem. Họ đầy đủ các thành phần, giúp đỡ cho đoàn phim cũng có mà gây phiền cũng có. Nhưng riêng ở Ninh Thuận thì đi đến đâu cũng được chính quyền và người dân địa phương nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện hoàn thành cảnh quay. Ngay cả khi phim đã đóng máy, trở lại Sài Gòn thì hầu như các thành viên trong ekip vẫn còn giữ liên lạc và nhận được sự quan tâm của chính quyền cũng như người dân địa phương. Đó là những tình cảm thân thương, là kỷ niệm đẹp và niềm hạnh phúc trong hành trang của những người làm phim như chúng tôi.
PV: Liệu điều anh nói ấy có khả năng khiến Ninh Thuận là một điểm du lịch được ưa thích trong tương lai gần?
- Đạo diễn Đinh Thái Thụy: Tất nhiên rồi! Cảnh quan đẹp, con người thân thiện sẽ luôn là dấu ấn đẹp đối với những người khách thập phương. Nếu có sự quan tâm và định hướng phát triển du lịch thì Ninh Thuận chắc chắn sẽ là một điểm đến thú vị và đem lại những trải nghiệm quý giá đối với mỗi người. Bởi nét đẹp của Ninh Thuận là một nét đẹp rất riêng và lạ so các vùng miền khác ở Việt Nam. Có một diễn viên khá nổi tiếng khi xem qua vài hình ảnh nháp của phim “Dấu Chân Du Mục” đã thốt lên với tôi: ”Em không thể ngờ rằng ở Việt Nam lại có một bối cảnh đẹp và lạ như thế!”. Tôi tin rằng đây cũng sẽ là cảm nhận của bất kể ai khi đã thực sự khám phá hết Ninh Thuận. Tôi rất hi vọng khi bộ phim lên sóng sẽ có rất nhiều người có cái nhìn khác và mới hơn về Ninh Thuận. Theo tôi điện ảnh hoàn toàn có khả năng quảng bá cho thương hiệu lớn của du lịch. Bởi vì ngoài chức năng giải trí, điện ảnh còn là chiếc cầu nối sinh động và sâu sắc về thiên nhiên, con người và văn hóa trên tất cả các vùng miền được phản ánh trong nội dung cũng như trong bối cảnh của phim.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện lý thú này và tình cảm anh dành cho Ninh Thuận. Chúc “Dấu chân du mục” sẽ đạt nhiều thành công!
Nam Thụ (thực hiện)