Trẻ em 2- 8 tuổi thường dễ mắc bệnh, nhưng hiện nay cũng có khá nhiều người lớn mắc bệnh. Người bệnh là nguồn lây duy nhất, lây trong thời gian 1-2 ngày trước khi đậu mọc và sau khi đậu lặn 3-4 ngày.
Sau 12- 17 ngày nhiễm mầm bệnh âm thầm. Bệnh khởi phát với sốt nhẹ 1-2 ngày hiếm khi sốt nặng. Sau đó xuất hiện trên mặt da những nốt tròn đỏ, có giới hạn rõ, ấn vào thì tan mất. Vài giờ sau trên nền đỏ xuất hiện dấu bóng nước trong, đường kính 2-3 mm, trông như giọt nước bám trên da, 24 -48 giờ sau nước này hóa đục. Các nốt đậu mọc khắp người và các nốt đậu không cùng tuổi, có nốt mới mọc và có nốt đang hóa đục, hóa mủ. Đa số các trường hợp kèm theo ngứa làm trẻ bệnh hay gãi làm vỡ bóng nước gây nhiễm trùng. Bóng nước cũng có thể mọc ở niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu… gây ra các triệu chứng nuốt đau, có dấu hiệu loét đường tiêu hóa, khó thở, tiểu rát. Nốt đậu càng nhiều thì bệnh càng nặng.
Chủ động việc phòng, chống lây bệnh thủy đậu:
Tích cực chăm sóc bệnh nhân phòng xảy ra biến chứng và tránh lây lan người khác:
- Bệnh nhân nên được cách ly, điều trị tại bệnh viện, nhất là những trẻ em nhỏ, những người có cơ địa suy yếu, phu nữ có thai, những bệnh nhân có nhiều nốt đậu . Người bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú tại nhà và nhập viện khi có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.
- Bệnh nhân hạn chế tiếp xúc với người khác, nên chủ động mang khẩu trang khi nói chuyện.
- Lau sạch da bằng nước ấm, nhẹ nhàng để không làm vỡ các bóng nước và giảm ngứa. Bội dung dịch Bleu Methylene lên các bóng nước phòng nhiễm trùng. Không nên bôi loại thuốc nào khác. Vệ sinh tay sạch bằng xà phòng sau khi chăm sóc bệnh nhân.
- Cắt ngắn móng tay bệnh nhân để phòng trầy xước da do trẻ gãi.
- Điều trị theo chỉ định của thầy thuốc, tuyệt đối không tự ý điều trị để phòng biến chứng.
BS. Nguyễn Năm