Để giảm thấp số ca mắc và giảm biến chứng, để phòng chống lây lan ra cộng đồng, nhất là chú ý phát hiện số ca mắc trong trường học, khu tập thể, chung cư… vì đây là môi trường tập trung đông người nên khả năng lây nhiễm khá nhanh, ngành Y tế khuyến cáo mọi người cần quan tâm thực hiện những biện pháp sau để phòng, tránh lây nhiễm bệnh quai bị:
Vì mầm bệnh tồn lưu khá lâu ở môi trường bên ngoài nên dễ lây nhiễm gián tiếp và gây thành dịch. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, khi tiếp xúc với người bệnh, hít phải bụi nước bọt (có mầm bệnh) khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi sẽ bị lây bệnh, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua vật dụng chung có dính dịch tiết mũi, họng của người bệnh. Người bệnh có thể lây cho người khác trước khi có triệu chứng (sung tuyến nước bọt mang tai) 7 ngày và sau phát bệnh 1 tuần. Nhóm thường mắc bệnh là lứa tuổi đi học 6 -12 tuổi, vì ở nhóm tuổi này thường có sự tiếp xúc thường xuyên khi đi học, sinh họat, người lớn cũng vẫn bị lây bệnh khi tiếp xúc, săn sóc người bệnh nếu chưa có kháng thể.
Để hạn chế lây lan của bệnh quai bị mọi người cần thực hiện:
1. Với người bệnh:
- Cách ly bệnh nhân và đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị, cần thực hiện đúng các hướng dẫn để phòng biến chứng; Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ chữa triệu chứng như hạ nhiệt, kháng viêm, nghỉ ngơi và cách ly người bệnh khoảng 9 ngày từ khi có dấu hiệu viêm tuyến mang tai. Nếu viêm tinh hòan thì mặc quần thun để nâng đỡ tinh hòan và đi khám bệnh để được hướng dẫn cụ thể. Trong thời gian điều trị nếu thấy bệnh nhân lơ mơ, đau bụng nhiều, mệt mõi nhiều thì cho nhập viện ngay.
- Hạn chế tiếp xúc với người khác, khi tiếp xúc cần chủ động đeo khẩu trang; Thường xuyên rửa tay với xà phòng để giảm lây lan mầm bệnh.
- Vệ sinh các vật dụng, phòng ở của người bệnh bằng dung dịch sát trùng thông thường. Cơ quan y tế khu trú và xử lý ổ dịch như phun thuốc diệt khuấn bề mặt trong các trường học có bệnh quai bị xảy ra.
- Nhà trường phối hợp với trạm y tế khi phát hiện người bệnh “sưng bên má” nên đưa bệnh nhân đi khám, nếu chẩn đoán bệnh quai bị và cần tuân thủ chế độ cách ly bệnh nhân nghỉ ngơi tại nhà 9 ngày kể từ ngày phát bệnh.
2. Với người lành:
- Người chăm sóc trẻ thường xuyên rửa tay với xà phòng cho mình và trẻ em. Dùng riêng khăn mặt, vật dụng ăn uống cho mỗi cháu.
- Hạn chế đưa trẻ em đến chỗ đông người khi không cần thiết trong lúc này.
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị ở trẻ > 1 tuổi. Dịch vụ này có thực hiện ở Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Ninh Thuận.
BS Nguyễn Năm