Nằm khuất trong ngã tư đèn đỏ đường Trương Định, phường Phước Mỹ có một "cửa hàng di động" chuyên bán sữa đậu nành và nước rau má, rau diếp cá. Gọi là cửa hàng di động bởi chủ nhân bày sản phẩm của mình trên một chiếc xe ba-gác để bán. Tôi chẳng biết tên thật của bà là gì, chỉ là hàng ngày thường ghé mua sữa, nước rau má, rau diếp cá của bà và nghe người ta gọi bà bằng “bà Điếc”. Cái tên ấy cũng xuất phát điểm từ sự lãng tai của bà. Ai tới mua hàng của bà đều phải ra hiệu hoặc hét to để chỉ số lượng và thứ hàng cần mua. Còn bà thì hết nhìn khẩu hình miệng của khách lại quay ra hỏi khách theo ước lượng đến khi khách gật đầu “OK”, thì bà thoăn thoắt đôi tay gầy guộc bán hàng cho khách.
Lâu dần tôi trở thành bạn hàng “ruột” của bà. Và mỗi ngày đứng chờ bà lấy sữa, tôi hỏi chuyện về gia đình bà một cách “khó khăn”, câu được câu mất. Đôi khi rơi vào tình cảnh “ông nói gà, bà nghe vịt”, song, phần nào tôi cũng đã hình dung ra cuộc đời đầy truân chuyên của bà.
Cũng như bao người phụ nữ khác, bà lấy chồng ở tuổi đôi mươi. Với bản tính hiền lành, chịu thương, chịu khó, bà tần tảo chăm lo cho tổ ấm bé nhỏ của mình bằng những ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời là đặc thù của nghề nông. Ba đứa con đủ nếp đủ tẻ lần lượt ra đời. Cuộc sống vốn vất vả càng thêm vất vả bởi nhiều miệng ăn. Chồng bà dù có cố gắng đỡ đần cho bà nhưng cái nghèo, cái khó vẫn bám lấy gia đình bé nhỏ của bà. Mâu thuẫn vợ chồng phát sinh từ cái nghèo, cái khổ. Ngán ngẫm cảnh kiếm cơm từng bữa, ngám ngẫm cảnh nheo nhóc, khổ cực…, chồng bà đã trở thành một người cộc tính, “đá thúng đụng nia” với bà mỗi khi mâm cơm dọn lên chỉ có rau luộc chấm mắm. Một sự nhịn là chín sự lành, bà cam tâm chịu đựng những trận “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của chồng cũng chỉ vì con, vì muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Dường như mọi cố gắng của bà đều bị cái nghèo, cái khó lấn át đi. Đỉnh điểm của cuộc hôn nhân không “màu hồng” là trận đòn roi của chồng khiến bà trở thành “bà Điếc”. Chồng bà dứt áo ra đi, để lại cho bà ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Đau khổ, uất hận và nghĩ cả đến tình huống xấu nhất, nhưng rồi nhìn ba đứa con thơ, bà lại nén tất cả vào lòng. Bà với vẻ ngoài lạc quan, yêu đời và bằng lòng với nghề bán sữa đậu nành.
Lần nào cũng vậy, ghé hàng bà vào giờ tan tầm, tôi vẫn thấy bà lui cui bên chiếc xe ba-gác chất đầy sữa đậu nành và nước lá rau. Thoảng, có khách, bà ngước cặp mắt cận thị với đôi kính chẳng giống ai và nghễnh ngãng bán hàng. Và lúc nào cũng vậy, ba chiếc bánh mì không khô khốc, ỉu xìu treo lủng lẳng bên xe. Đó là bữa trưa của bà. Nếu ai ra dấu về sự tồn tại trường kỳ của những chiếc bánh mì ấy, bà chẳng ái ngại, chỉ tươi cười “Tui đi bán về trễ, ăn vậy cho xong bữa, để dành tiền lo cho con cái sau này. Mấy đứa nhỏ cũng lớn rồi, cũng đã tự lo được cho mình nên tui cũng đỡ phần nào”. Trời nắng bán đắt hàng đã đành, trời mưa sữa còn nhiều, hình ảnh người đàn bà khắc khổ đội chiếc áo mưa rách bươm, nhai vội ổ bánh mì không nhân, khô khốc đứng đợi khách ghé mua hàng đã trở thành quen thuộc với những người dân sống quanh khu vực này. Tôi chẳng thể chia sẻ gì với bà, chỉ “ủng hộ” bà vài bịch sữa, vài bịch nước rau mỗi khi bà ế hàng.
Thế đấy, nghe câu chuyện về cuộc đời của bà tôi không chỉ khâm phục sự hi sinh của bà mà còn nhận ra ở bà sự tự tin, trung hậu, đảm đang mà không phải người phụ nữ nào cũng có được. Khi tôi chắp bút viết về bà cũng là lúc tôi được biết bà có một cái tên thật đẹp: Dương Trần Thị Tuyết, năm này là đã bước sang tuổi 53, nhà bà ở khu phố 6, phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm. Và bà đã không còn bán hàng ở góc đường ấy nữa, cũng bởi trong cuộc sống mưu sinh bao giờ cũng có sự cạnh tranh. Với bản chất hiền lành, chân chất của mình, bà đã dời đi nơi khác "di động" mưu sinh.
Hữu Nhân