Kỷ niệm 30 năm khôi phục lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

(NTO) Ngày 20-3, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày khánh thành công trình khôi phục, mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (20/3/1984-20/3/2014).

Tham dự lễ kỷ niệm có ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, ông Andrei Kovtun, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, đại biểu quốc tế và đông đảo các thế hệ cán bộ, nhân viên, nhà khoa học đã và đang công tác tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

 

Bên ngoài lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được thành lập theo Quyết định số 64-CP ngày 26-4-1976 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ sở vật chất ban đầu được tiếp quản từ Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt của chế độ cũ trước năm 1975 với thiết bị chính là lò phản ứng TRIGA Mark-2 của Mỹ, công suất 250kWt, được xây dựng đầu năm 1960. Tuy nhiên đến năm 1975, toàn bộ các bó nhiên liệu trong lò đã được chuyển về Mỹ.

Với sự giúp đỡ của Liên Xô, ngày 15-3-1982, công trình trọng điểm cấp Nhà nước khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chính thức được khởi công. Ngày 20-3-1984, lò phản ứng chính thức được đưa vào vận hành với công suất 500 kWt, gấp 2 lần so với lò TRIGA trước đây. Tính đến cuối năm 2013, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã có gần 38.000 giờ hoạt động an toàn, hiệu quả.

30 năm qua, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã hoàn thành tốt công tác quản lí, vận hành lò phản ứng, đồng thời khai thác có hiệu quả vào hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ kĩ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực hạt nhân. Viện đã nghiên cứu và sản xuất được 30 chủng loại đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu dùng trong y tế, công nghệ sinh học và một số ngành kĩ thuật khác; làm tốt công tác ứng dụng công nghệ hạt nhân vào phân tích địa chất, điều tra thăm dò tài nguyên khoáng sản, dầu khí, nông nghiệp, sinh học và môi trường; bảo dưỡng các loại thiết bị điện tử; kiểm soát và khắc phục sự cố phóng xạ. Bên cạnh thực hiện các đề tài, dự án khoa học-công nghệ, mỗi năm, Viện còn trực tiếp đào tạo 5-7 nghiên cứu sinh thuộc các chuyên ngành Vật lí hạt nhân và Hóa phân tích, đồng thời hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong nước đào tạo nguồn nhân lực và tham gia hợp tác quốc tế… đóng góp to lớn vào sự phát triển ngành khoa học hạt nhân nói riêng, sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến đánh giá cao sự giúp đỡ của Chính phủ và các chuyên gia của Liên Xô (cũ), đã tận tình giúp đỡ Việt Nam khôi phục, mở rộng và tái khởi động lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt và trang bị thêm các thiết bị hiện đại. Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ LB Nga đã hỗ trợ, giúp đỡ để Việt Nam thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi nhiên liệu có độ giàu cao sang nhiên liệu có độ giàu thấp tại Lò nghiên cứu Đà Lạt vào tháng 7-2013; Chính phủ và các nhà khoa học các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Pháp ... đã tham gia hợp tác đa phương và song phương, giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo cán bộ, trao đổi chuyên gia, cung cấp trang thiết bị trực tiếp phục vụ cho vận hành và khai thác lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt ngày càng an toàn và hiệu quả.

Với những thành tích đã đạt được, dịp này, tập thể cán bộ, nhân viên Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.